Bảo đảm hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người yếu thế trong xã hội

(PLVN) - Trợ giúp pháp lý được xác định là trách nhiệm của Nhà nước vừa thể hiện truyền thống đạo lý, tính nhân văn của người Việt Nam và lại vừa thể hiện trách nhiệm cao cả của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người. Chính sách nhân văn càng rõ hơn khi giúp được những người yếu thế trong xã hội bảo vệ được quyền lợi của mình.
Trợ giúp pháp lý là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. (Ảnh minh họa)
Trợ giúp pháp lý là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Giúp người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp

Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

Như vụ việc ở Hà Nội, do thiếu hiểu biết nên ông Đ là người khiếm thị, gần 70 tuổi vay 200 triệu đồng, ký hợp đồng ủy quyền cho người cho vay với nội dung là trong vòng 20 tháng mà ông không trả số tiền đã vay thì người cho vay toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất của ông. Sau 20 tháng ông Đ không trả được tiền vay, người vay đã bán đất của ông.

Trung tâm TGPL Hà Nội đã tìm được người đứng tên sở hữu đất. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái với văn bản cam kết và việc ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng đất là chưa đúng pháp luật nên đã mời các bên đến phân tích và tiến hành hòa giải. Sau buổi hòa giải người mua đất đã nhất trí ký các giấy tờ để chuyển lại tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đ.

Hay vụ việc tại Bình Thuận: Bản Cáo trạng số 05/CT-VKSBA-HS ngày 03/7/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bác Ái truy tố Đ. về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015. Khi được phân công bào chữa cho bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án và nhận thấy Viện Kiểm sát viện dẫn và áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 là không phù hợp và gây bất lợi cho bị cáo.

Trợ giúp viên đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng Đ. không phạm tội hình sự. Trên cơ sở kiến nghị này, Tòa án đã trả hồ sơ cho Cơ quan Công an, Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Kết quả cuối cùng của vụ án này là Viện kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đ.

Đề ra các hoạt động TGPL cụ thể cho người yếu thế

Nhiều địa phương trên cả nước rất chú trọng triển khai các hoạt động TGPL cho người yếu thế. Chẳng hạn, Trung tâm TGPL nhà nước Thái Nguyên trong gần 2 năm qua đã thụ lý 829 vụ việc, trong đó tư vấn pháp luật hơn 201 vụ việc, tham gia tố tụng 671 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 22 vụ việc. Các vụ việc được thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm chỉ định đã tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp. Qua đó góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng.

Hà Nam thì có nhiều hoạt động triển khai chính sách về TGPL cho người khuyết tật (NKT) có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã phối hợp với Hội NKT tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 15 buổi truyền thông, TGPL tại cơ sở cho NKT người thuộc diện TGPL tham gia. Tại hội nghị, nội dung phổ biến chính sách pháp luật có liên quan đến NKT được đề cập khá phong phú bao gồm: Luật TGPL; Luật NKT và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chính sách liên quan trực tiếp tới NKT trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội... các thủ tục hành chính để hưởng các chế độ liên quan đến khuyết tật.

Bên cạnh hoạt động tư vấn, truyền thông, TGPL, Trung tâm đã tiến hành phát hơn 20.000 tờ gấp về Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là người yếu thế (gồm trẻ em; NKT; nạn nhân bị mua bán người; nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới…) ngày càng tăng; yêu cầu về chất lượng, tính chuyên nghiệp của công tác trợ giúp cũng ngày càng cao.

Thiết nghĩ thời gian tới để khẳng định là điểm tựa pháp lý cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh, các tổ chức thực hiện công tác TGPL cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ TGPL; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này và tăng cường TGPL ở cơ sở nhằm giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận tốt với dịch vụ TGPL. Tiếp tục đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, qua đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Theo đó, các hoạt động cụ thể cần triển khai là nghiên cứu và xây dựng các phương án TGPL cho người yếu thế thuộc diện được TGPL, đặc biệt là trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bao gồm cả phương án nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và các đối tượng nêu trên để hiểu biết và sử dụng dịch vụ TGPL thông qua các phương thức truyền thông có hiệu quả trực tiếp hoặc qua sử dụng công nghệ truyền thông phù hợp với đặc điểm của người được TGPL ở từng vùng miền.

Đồng thời, xây dựng chương trình và phương pháp TGPL cho trẻ em, đặc biệt với trẻ em bị xâm hại, nạn nhân bạo lực giới, nạn nhân bạo lực gia đình, NKT, người cao tuổi… Các hoạt động hỗ trợ này có thể gắn với các hoạt động TGPL trong xu hướng phát triển mô hình tố tụng thân thiện của Tòa Gia đình và người chưa thành niên của Việt Nam.

Đọc thêm