Bảo đảm hơn nữa quyền có quốc tịch cho trẻ em

(PLO) - Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định khá rõ về nguyên tắc, căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em cũng phát sinh một số vướng mắc từ phía các cơ quan nhà nước cũng như từ phía người dân.
 
Cần bảo đảm quyền có quốc tịch của trẻ trong một số trường hợp đặc biệt
Cần bảo đảm quyền có quốc tịch của trẻ trong một số trường hợp đặc biệt

Thực thi bằng nhiều biện pháp tích cực và hiệu quả

Theo đó, Luật đã đưa ra nhiều tình huống để xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em nhằm hạn chế tối đa tình trạng trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật còn quy định về sự mặc nhiên thay đổi quốc tịch của trẻ em vị thành niên (sống cùng cha mẹ) khi cha mẹ chúng được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam để tránh cho trẻ em không bị rơi vào tình trạng khó khăn, bị động khi cha mẹ thay đổi quốc tịch.

Đồng thời, Luật cũng quy định về việc mặc nhiên có quốc tịch Việt Nam của trẻ em nước ngoài khi được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi nhằm tránh cho trẻ em khỏi những thủ tục phức tạp nếu phải xin nhập quốc tịch. Như vậy, có thể thấy về cơ bản, quyền có quốc tịch của trẻ em đã được khẳng định rõ trong Luật Quốc tịch. Ngoài ra, quyền được khai sinh và xác định quốc tịch cũng được ghi nhận trong nhiều văn bản luật của Việt Nam, được bảo đảm thực thi bằng nhiều biện pháp tích cực và hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Phạm Hoàng Tùng cũng cho rằng, đối với trẻ em, quyền được khai sinh và có quốc tịch là một quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Một công tác lãnh sự quan trọng tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là việc xác định quốc tịch và cấp giấy tờ cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam sinh ra tại nước ngoài. Qua theo dõi, về cơ bản, các cơ quan đại diện Việt Nam đều thực hiện việc cấp giấy tờ cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Theo thực tiễn nhiều nước, trẻ em sinh ra được làm thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan hộ tịch sở tại nên các cơ quan đại diện Việt Nam chủ yếu làm thủ tục ghi chú vào sổ hộ tịch việc đăng ký khai sinh ở cơ quan hộ tịch nước ngoài và cấp trích lục khai sinh, hộ chiếu (nếu có yêu cầu) cho trẻ.

Đề xuất cho trẻ được lựa chọn quốc tịch

Mặc dù vậy, trên thực tế việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em cũng phát sinh một số vướng mắc từ phía các cơ quan nhà nước cũng như từ phía người dân. Cụ thể, đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam thì trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha, mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

Quy định này sẽ rõ ràng và dễ áp dụng hơn nếu Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn rõ hơn về thời điểm trẻ em có quốc tịch Việt Nam (ngay từ khi sinh ra) mà không phụ thuộc vào việc đã đăng ký khai sinh hay chưa và đăng ký ở đâu. Nhưng đến nay chưa có quy định hướng dẫn nên thực tế vẫn có những cách hiểu khác nhau. Điển hình là trường hợp trẻ sinh ra ở nước ngoài mà quốc gia đó áp dụng nguyên tắc quyền nơi sinh để xác định quốc tịch (như Hoa Kỳ). Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này, đứa trẻ còn có quyền có quốc tịch Việt Nam theo nguyên tắc huyết thống nữa không; trẻ có quyền được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nữa không…

Còn ông Tùng phản ánh, các cơ quan đại diện Việt Nam gặp khó khăn nhất định khi chưa có quy định thống nhất về việc ghi vào sổ hộ tịch đối với trường hợp trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài, đặc biệt trường hợp đương nhiên có quốc tịch sở tại theo nguyên tắc huyết thống từ cha/mẹ là công dân nước sở tại hoặc theo nguyên tắc nơi sinh. Ngoài ra, về giới hạn độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục ghi vào sổ việc đăng ký khai sinh ở cơ quan hộ tịch nước ngoài… Do vậy, ông Tùng đề xuất, cần quy định, hướng dẫn thống nhất việc lựa chọn quốc tịch của trẻ em, xác định rõ độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn có quốc tịch Việt Nam trên cơ sở tham khảo Công ước về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Nêu thực tế có nhiều trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, sinh sống ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Nguyễn Văn Vũ dẫn chứng đó thường là trẻ em Việt Nam là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), do bố mẹ ly hôn hoặc hôn nhân không hạnh phúc nên người mẹ mang con về Việt Nam sinh sống. Hiện nay, số trẻ em này ngày càng nhiều và trở thành vấn đề xã hội cần giải quyết bởi các em không dễ tiếp cận các phúc lợi xã hội về giáo dục, y tế… mặc dù Luật Trẻ em không phân biệt trẻ em có quốc tịch Việt Nam hay không có quốc tịch Việt Nam. Từ đó, ông Vũ mong mỏi nên xác định những trẻ này là người có quốc tịch Việt Nam cho đến khi trẻ em thành niên và quyết định lựa chọn quốc tịch cho mình để trẻ nhận được sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như công dân Việt Nam.

Đọc thêm