Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam

(PLVN) - Để góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam; thực trạng quy định, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính và hoạt động tố tụng hành chính nhằm bảo đảm quyền công dân ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp đã xuất bản cuốn “Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam” của TS. Dương Thị Tươi.

Bảo đảm quyền công dân là một trong những vấn đề quan trọng được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Bảo đảm quyền công dân chính là bảo đảm nền dân chủ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán đường lối, chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lấy con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển.

Điều 14 Hiến pháp năm 2023 đã khẳng định: “... các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện trên thực tế, là sự bảo đảm tính cân bằng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tố tụng hành chính.

Cuốn sách góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam.

Cuốn sách góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam.

Những năm qua, để bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính, Nhà nước đã xây dựng những điều kiện pháp lý cần thiết thể hiện tại các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó, Tòa án giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền công dân, nghĩa là thông qua hoạt động giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án, Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm quyền công dân của người dân được thực hiện trên thực tế.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, đặc thù của quan hệ tố tụng hành chính, khi một bên là cá nhân, tổ chức, cơ quan, còn bên kia là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền (thực hiện quyền lực nhà nước) thì quyền công dân của người khởi kiện luôn có nguy cơ bị xâm phạm (gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ). Tình trạng án hành chính bị sửa, hủy và thi hành án hành chính chưa thực sự hiệu quả vẫn còn... đã ảnh hưởng lớn tới niềm tin, kỳ vọng của người dân và công lý và sự nghiêm minh của pháp luật.

Do đó, từ đòi hỏi thực tiễn và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập, Nhà xuất bản Tư pháp đã xuất bản cuốn “Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam” của TS. Dương Thị Tươi - Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nội dung cuốn sách gồm 3 Chương đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính của một số nước trên thế giới để rút ra giá trị tham khảo cho Việt Nam. Đồng thời, cuốn sách đề cập thực trạng quy định của pháp luật tố tụng hành chính về quyền công dân của người khởi kiện, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của Luật sư, quy định về thi hành án hành chính; phân tích, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong quy định của pháp luật tố tụng hành chính và hoạt động tố tụng hành chính nhằm bảo đảm quyền công dân ở Việt Nam; từ đó chỉ ra các quan điểm và đề xuất các giải pháp bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam hiện nay.

Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP. Hồ Chí Minh. Holine: 0989819688

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!