Bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI, một trong số nhóm vấn đề cơ bản cần hiến định là nhóm vấn đề về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Trong đó, nghiên cứu có cơ chế cụ thể để đảm bảo thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong tổ chức và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI, một trong số nhóm vấn đề cơ bản cần hiến định là nhóm vấn đề về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Trong đó, nghiên cứu có cơ chế cụ thể để đảm bảo thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong tổ chức và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Nhân dân thực hiện quyền bầu cử. Ảnh MH
Nhân dân thực hiện quyền bầu cử. Ảnh MH

Bao quát được các quyền quan trọng

Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, quyền con người, quyền công dân được chia thành 6 nhóm, thể hiện trong nhiều điều tại các Chương I, II, III và V. Cụ thể, bao gồm: nhóm các quyền về chính trị; nhóm các quyền dân sự; nhóm các quyền kinh tế; nhóm các quyền về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ; nhóm các quyền về xã hội; nhóm các quyền của những cá nhân không phải là công dân Việt Nam.

Như vậy, về mặt hình thức, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người đã bao quát được tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa quan trọng của con người đã được các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi nhận.

Ngoài ra, các quy định của Hiến pháp năm 1992 cũng đề cập đến 27 nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện trong 16 điều của 5 chương (từ Chương I đến Chương V). Qua đó có thể thấy, các nghĩa vụ của công dân Việt Nam và của người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú, từ nghĩa vụ trong lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, quốc phòng, an ninh đến nghĩa vụ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Bên cạnh những quy định về các nghĩa vụ cơ bản của mọi công dân Việt Nam nói chung còn có các quy định về những nghĩa vụ của một số loại công dân Việt Nam (như cha, mẹ, con, cháu) và của người nước ngoài (có thể là công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch) đang cư trú tại Việt Nam.

Cần bổ sung quyền dân chủ trực tiếp

Đánh giá các quy định trên của Hiến pháp năm 1992, ông Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Cách ghi nhận về quyền con người của Hiến pháp nước ta còn mang tính hình thức, chưa thể hiện sự coi trọng quyền con người với tính cách là quyền tự nhiên, vốn có của con người. Không những thế, Hiến pháp 1992 chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, nhà chức trách trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như chưa thiết kế được những thiết chế bảo đảm sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân một cách hữu hiệu.

Vì thế, ông Nghị khẳng định, việc sửa đổi toàn diện, cơ bản Chương quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu cấp thiết. Theo đề xuất của ông Nghị, Chương quyền con người, quyền công dân nên thiết kế thành 5 mục, gồm các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; các quyền dân sự - chính trị; các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa; các biện pháp bảo đảm các quyền; các nghĩa vụ. Chẳng hạn, các biện pháp bảo đảm các quyền sẽ có các điều quy định về Nhà nước, các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người; cơ quan quốc gia về thúc đẩy, bảo đảm và bảo vệ quyền con người… Các nghĩa vụ rút gọn chỉ còn nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ Tổ quốc, nộp thuế, giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, bảo vệ môi trường và nghĩa vụ đối với cộng đồng.

Ông Phạm Hữu Nghị còn nhấn mạnh: “Khi cần đưa ra hạn chế quyền nào thì ngay trong điều ấy, khoản ấy cần ghi rõ các căn cứ hạn chế quyền và chỉ hạn chế quyền theo quy định của pháp luật”. Chẳng hạn, về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nếu cần hạn chế quyền thì quy định luôn một khoản trong điều này như sau: “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bị hạn chế theo những quy định của các đạo luật và những hạn chế này phải là thực sự cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc quyền của người khác”. Tán thành ý tưởng “quyền có thể có giới hạn” nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý thêm, quyền cơ bản của công dân dù bị hạn chế thì vẫn phải đảm bảo sự cơ bản của quyền ấy.

Đặc biệt, quán triệt chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI về đảm bảo thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong tổ chức và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, Tổ nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Bộ Tư pháp cho rằng, cần có những bổ sung về các quyền thể hiện dân chủ trực tiếp như quyền phúc quyết, trưng cầu dân ý, quyền được các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng quyền lực và tài sản của quốc gia.

Thục Quyên

Đọc thêm