Nông nghiệp khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế
Sáng 22/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
“Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp đã cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu...
Về lĩnh vực công thương, đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân, đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp thứ 8;
Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch…
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng khẳng định, đến nay, cơ bản hệ thống pháp luật về du lịch và các chính sách trong lĩnh vực này đã bảo đảm minh bạch, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển.
“Du lịch Việt Nam phục hồi tích cực sau đại dịch và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng cho biết.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và huy động hiệu quả nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong phát triển văn hóa
Tập trung xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Về lĩnh vực tư pháp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực. Nỗ lực tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tiến độ, chất lượng các hồ sơ đề nghị dự án luật trình QH; quan tâm về chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp; tập trung thi hành các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đẩy mạnh việc thu hồi tài sản, đặc biệt là các vụ việc thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thông tin về lĩnh vực nội vụ, về kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Phó Thủ tướng cho hay, đến hết năm 2021, đã có 45 địa phương hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020-2025; kiện toàn tổ chức HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến tháng 5/2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư tại các đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021.
Về tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, hiện nay, Chính phủ đã trình UBTVQH xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tạo điều kiện hoàn thành, sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023-2025 trước tháng 10/2024 để phục vụ việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Hình ảnh tại phiên chất vấn. |
Đối với việc xử lý, sắp xếp trụ sở dôi dư. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất, tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh là địa phương quản lý, khai thác, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8/2024.
Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài
Về lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chỉ đạo, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, qua đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong thời gian tới, để kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nòng cốt là lực lượng công an nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 96 của QH về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương..
Về lĩnh vực thanh tra, việc tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với chính quyền và tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các đại biểu QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của QH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, Nhân dân, vị đại biểu QH và đồng bào cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của QH.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu QH. Qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của UBTVQH đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên chất vấn. |
Thời gian tới, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu QH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.