Mạng xã hội làm thay đổi con người như thế nào?
Thật không khó để bắt gặp hình ảnh con người ngồi bất cứ đâu lướt mạng xã hội (điển hình như facebook) một cách vô thức. Đôi lúc chỉ vài phút, sau đó kéo dài đến vài giờ là chuyện hiển nhiên của những người đang để cảm xúc của mình cho mạng xã hội chi phối. Đó chắc không phải là thói quen tốt đối với tâm lý đám đông của chúng ta. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ và lứa tuổi teen bị tác động tiêu cực của mạng xã hội lên tâm lý. Không những thế, nhiều thế hệ người trưởng thành có lẽ cũng gặp phải những nguy cơ như vậy.
Trên thực tế, những người liên tục đăng ảnh lên mạng xã hội thì sẽ khiến người khác không thể tập trung làm việc và mất cả buổi vào facebook. Họ có cảm giác bứt rứt, khó chịu khi bị mất mạng hay để quên điện thoại ở nhà thì đó có thể là chứng “nghiện” mạng xã hội. Một trong số đó, “nghiện” facebook trong thời gian dài sẽ gây ra các hệ lụy, đắm chìm trong facebook khiến họ quên đi các mối quan hệ giao tiếp xã hội, mất ăn, mất ngủ nên cơ thể hay bị ốm, hệ miễn dịch không được tốt.
Khi mải mê với mạng xã hội, lối sống của mỗi người sẽ “ảo” hơn. Mọi người sẽ thể hiện quan tâm nhau, thể hiện tình cảm bằng những nút “like”, sẽ ít nói chuyện và gặp gỡ nhau vì còn đang mải mê lướt điện thoại, sẽ xây dựng cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác. Trên thực tế, những gì người khác thể hiện trên mạng xã hội chưa hẳn đã là cuộc sống thật sự của họ.
Nguyễn Hoài An - sinh viên Đại học Thương mại cho biết: “Thời gian một ngày em sử dụng facebook ít nhất từ 3 tiếng trở lên. Có hôm được nghỉ học, em toàn ở nhà nằm giường lướt facebook. Em biết điều đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như nguy cơ bị “nghiện” rất cao nhưng em khó thể thắng được bản thân mình. Cứ rảnh là em lôi điện thoại ra lướt, một ngày phải có ảnh đăng lên mạng, nếu thiếu thì cảm thấy rất khó chịu”.
Đó không chỉ riêng An mà còn rất nhiều các bạn trẻ đều gặp phải cảm giác tương tự. Giới trẻ Việt Nam dành ra trung bình 9 tiếng/ngày để vào mạng xã hội. Những người có các dấu hiệu như vào mạng liên tục, cứ 30 phút lại vào mạng một lần, dành cả thời gian ban đêm để lên mạng... Họ thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng “nghiện” mạng xã hội và rất khó để nhận biết và kiểm soát được trạng thái này. Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Thậm chí họ mắc bệnh tâm thần là điều rất dễ xảy ra.
Các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội với mục đích tương tác và giải trí ở mức cao, tiếp đó là mục đích thể hiện bản thân. Mức thấp là sử dụng mạng xã hội nhằm kinh doanh và thử nghiệm cuộc sống. Việc sử dụng mạng xã hội khiến tâm lý của giới trẻ chịu áp lực về thời gian và ảnh hưởng tới các hoạt động sống của chính mình. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, làm việc, nó còn gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khoẻ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần - gốc vấn đề ngay từ chính sự vô cảm trong giao tiếp và sự thu mình của giới trẻ. Đáng lưu ý, ở độ tuổi dễ bị kích động không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ.
Vào viện tâm thần vì “nghiện” mạng xã hội
Mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ. Đây là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực giữa con người với nhau. “Nghiện” mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Một dạng bệnh lý về tâm thần. Theo đó, những người sử dụng internet thường xuyên, nhất là người nghiện internet thường dễ có xu hướng lệch lạc hành vi. Đặc biệt, các mối quan hệ trên thế giới ảo của họ thường có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Trường hợp học sinh Nguyễn Thị Minh Anh (sinh năm 2000, ở Hà Nội) là một minh chứng. Khi bước sang lớp 12, nữ sinh này học hành sa sút, có biểu hiện sống thu mình, khép kín với bạn bè, thậm chí với cả gia đình. Anh Nguyễn Minh Long (SN 1975, cha của Minh Anh) cho biết hai vợ chồng anh phát hiện ra con gái có những biểu hiện bất thường, khi các bạn đến rủ đi đến nhà cô giáo chủ nhiệm chơi, nữ sinh này nhất định không đi, chỉ nhốt mình ở trong phòng để xem điện thoại. “Một ngày giữa tháng 12, tôi bất chợt về giữa buổi thấy con ở nhà, gọi điện cho cô giáo mới biết con trốn học. Lúc này, con tôi chỉ chơi điện thoại”, anh Long kể lại.
Sau đó, vợ chồng anh đã cắt mạng internet. Lúc này, con gái của họ bắt đầu bộc lộ những biểu hiện bất thường như phản ứng gay gắt, sẵn sàng đập phá đồ đạc trong nhà, chửi bới thậm chí có hành động chống trả cha mẹ. Lo cho con gái, anh Long mời bác sĩ tâm lý đến nhà để thăm khám, nhưng con gái vẫn không chịu hợp tác. Anh đành theo lời tư vấn của bác sĩ là dùng thuốc mê, chuyển con xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Tại đây, các bác sỹ chuẩn đoán Minh Anh bị tình trạng “nghiện” điện thoại, facebook dẫn đến trầm cảm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nhận định, nếu gia đình phát hiện bệnh nhân “nghiện” điện thoại, mạng xã hội trong khoảng 6 tháng đầu, lúc đó người bệnh đang ở tình trạng cấp tính, việc điều trị sẽ kéo dài ít nhất là 6 tháng. Nếu thời gian “nghiện” kéo dài trên 6 tháng, lúc đó đã chuyển sang mạn tính và thời gian điều trị sẽ rất dài, khoảng 3-5 năm.
Việc bùng nổ phát triển mạng xã hội đã kéo theo những hệ lụy không đáng có. Bản thân mỗi người hãy là người dùng mạng xã hội thông thái nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng nặng nề đến bản thân, gia đình và xã hội.