Sản phụ nhập viện trong tình trạng thai 37 tuần, chuyển dạ đẻ lần 1 ngôi đầu, được phẫu thuật cứu kịp thời nhờ thực hiện quy trình “Báo động đỏ” nội viện, đồng thời hội chẩn trực tuyến từ xa với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh qua hệ thống Telemedicine.
Trong thời gian theo dõi chuyển dạ, chỉ số sinh tồn của sản phụ mạch 100-130 ck/p, huyết áp 170/100mHG. Cổ tử cung mở 2cm, ối còn, ngôi đầu cao. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai, với lý do thai 37 tuần thai to, tăng huyết áp.
Bệnh nhân được chuyển mổ lúc 10h20, phương pháp vô cảm gây tê tuỷ sống. Phẫu thuật lấy ra 01 nhi trai, khóc ngay, nước ối nhiều phân su màu xanh. Trọng lượng thai 4300g.
Sản phụ được lấy rau, lau sạch buồng tử cung, khâu phục hồi tử cung. Sau khi khâu phục hồi tử cung thấy tử cung co hồi kém, chảy máu khó cầm, xét nghiệm lại bệnh nhân có dấu hiệu mất máu cấp.
Nhận định diễn biến phức tạp, kíp phẫu thuật hội chẩn trưc tiếp tại phòng mổ qua hệ thống Telemedicine với đầu cầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, qua hội chẩn các bác sĩ thống nhất chỉ định dùng thuốc tăng co cơ tử cung, đắp gạc ấm, hồi sức tích cực cho sản phụ.
Sau mổ bệnh nhân tiếp tục được hồi sức cấp cứu kết hợp truyền 2 đơn vị hồng cầu nhóm máu B, tử cung bệnh nhân co hồi tốt, kiểm tra không còn biểu hiện chảy máu. Tiến hành đóng bụng, đặt dẫn lưu cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, kết quả xét nghiệm lại các chỉ số ổn định, cử động được.
Theo Ths. Bác sĩ Nguyễn Phú Nhuận, Giám đốc TTYT huyện Cô Tô cho biết: “Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị N.(sn 1991) có diễn biến phức tạp nếu chuyển đảo về tới đất liền sẽ mất thêm nhiều thời gian đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, ngay khoảng khắc đó Trung tâm Y tế đã kích hoạt “Báo động đỏ” nội viện và hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để cùng phối hợp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân".
Bác sĩ Nhuận cho biết thêm: Việc triển khai quy trình “Báo động đỏ” nội viện và hội chẩn từ xa của ngành Y tế tỉnh đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, qua đó mang lại hy vọng, sự tin tưởng cho người bệnh không may rơi vào tình trạng nguy kịch được hỗ trợ cấp cứu chuyên môn kịp thời từ đội ngũ bác sĩ đầu ngành tuyến cuối tỉnh, nâng cao năng lực cấp cứu của ngành y tế xuyên suốt từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân trên địa bàn, nhất là tại các bệnh viện vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm.