Đây là thông tin được đưa ra trong một báo cáo mới đây về thuốc giả, thuốc kém chất lượng của cố vấn cấp cao, tiến sĩ Joel Breman của Trung tâm Quốc tế Fogarty thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ và các nhà khoa học khác, đã được đăng trên tạp chí Y học Nhiệt đới Hoa Kỳ.
Ảnh minh họa |
Ít nhất 300.000 trẻ em chết oan uổng
Tiến sĩ Joel Breman chia sẻ rằng, “Chúng tôi đang nói đến ít nhất 300.000 trẻ em đã phải chết oan uổng dưới tay bọn tội phạm phân phối thuốc giả”.
Báo cáo chỉ ra, hiện nay thuốc giả và kém chất lượng đang gia tăng và bày bán tràn lan. Chỉ tính riêng thuốc điều trị sốt rét, viêm phổi đã gây ra cái chết của hàng trăm ngàn trẻ em hàng năm. Nhiều người tử vong vì vắc xin và kháng sinh giả, kém chất lượng trong điều trị viêm gan, sốt vàng da và viêm màng não. Ngoài ra, một loại thuốc giả điều trị bệnh tim, rối loạn cương dương, ung thư và giảm đau… hiện nay đang được bán tràn lan trên mạng Internet và thậm chí còn liên quan đến các nhóm tội phạm và tổ chức khủng bố.
Theo báo cáo, vào năm 2008, tổ chức Pfizer Global Security đã xác định 29 sản phẩm thuốc gây tê của họ tại 75 quốc gia bị làm giả. Chỉ 10 năm sau, số này đã tăng lên 95 loại thuốc ở 113 quốc gia. Trong năm 2009, rất ít nhà thuốc trực tuyến được tìm thấy, nhưng chỉ 7 năm sau, ước tính có 35.000 nhà thuốc kiểu như vậy đã hoạt động trên toàn cầu. Mới đây, tổ chức Pfizer Global Security đã tiến hành mua 250 lần loại thuốc Xanax (thuốc tâm thần điều trị chứng lo âu và rối loạn hoảng sợ) trên các trang web trực tuyến. Kết quả, tới 96% trong số đó là hàng giả.
Hiện tại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc giả xuất hiện rất nhiều ở các nước thu nhập thấp và trung bình sử dụng. Ở những nước này có hai loại thuốc được làm giả nhiều nhất, đó là thuốc điều trị bệnh sốt rét, gây ra cái chết của hơn 150.000 trẻ em mỗi năm. Thứ 2 đó là thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi ở trẻ em, khiến hàng trăm ngàn trẻ em thiệt mạng, tương tự như thuốc sốt rét giả. Do vậy, trọng tâm ban đầu của các khoa học là hướng đến những nước kém phát triển vì họ không kiểm soát được thị trường thuốc giả và cố gắng nâng cao về bệnh tật.
Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực
Theo tờ The Guardian (Anh), các nhà khoa học trong giới y học đang kêu gọi toàn cầu nỗ lực chống lại “đại dịch thuốc giả, thuốc kém chất lượng” gây ra cái chết của hàng ngàn người trên thế giới mỗi năm. Hiện nay, nhiều thử nghiệm đã phát hiện thuốc giả, từ trị sốt rét, kháng sinh đến trị bệnh tim mạch và ung thư. Nhiều thuốc giả từ Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí bị phát hiện chứa asen, sơn và cả mực in…Thuốc Viagra cũng nằm trong các dược phẩm bị làm giả nhiều nhất.
Phần lớn nạn nhân thuộc những nước có nhu cầu cao về dược phẩm. Tuy nhiên các nước này lại kiểm soát chất lượng lỏng lẻo khiến các tập đoàn tội phạm thâm nhập vào thị trường. Điều đáng nói, khi bị phát hiện có hành vi buôn bán phân phối thuốc giả hay kém chất lượng, các doanh nghiệp, tập đoàn phạm tội bị phạt hoặc tuyên án rất nhẹ.
Trong thập kỷ qua, các chuyên gia y tế và tổ chức phi lợi nhuận đã nâng cao nhận thức về vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Phía Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, Interpol và WHO cũng đã có những hành động giải quyết vấn đề thuốc giả và thuốc kém chất lượng.
Cho đến hiện nay, bức tranh toàn cảnh về thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã hiện ra ngày một rõ ràng và WHO cũng đã có chính sách mạch lạc, phối hợp với nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ, song phải nói thách thức vẫn còn ở phía trước. Đặc biệt WHO đã xác định, thuốc giả, thuốc kém chất lượng là “vấn đề nóng” và đã đưa ra “kế hoạch để phát hiện và ngăn chặn”. Trước đó, hồi tháng 2/2019, WHO đã đưa ra một cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc ung thư giả ở châu Âu và châu Mỹ. Cụ thể, một loại thuốc giả được đóng gói trông giống như Iclusig (thuốc chống ung thư), điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính và bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính. Tuy nhiên, WHO báo cáo rằng, trong thành phần thuốc chẳng có gì ngoài paracetamol.
Tiến sĩ Joel Breman cũng nhận định rằng, cộng đồng quốc tế và các công ty dược phẩm cần cải thiện tính bảo mật của chuỗi cung ứng thuốc ở tất cả quốc gia trước khi đến tay bệnh nhân. Đơn giản hóa thủ tục xét nghiệm để xác minh chất lượng thuốc.
Giới khoa học cũng đề nghị xây dựng một hiệp ước toàn cầu về chất lượng thuốc để làm căn cứ xử lý các hành vi liên quan đến thuốc giả. Trong hiệp ước cần quy định rõ chế tài xử lý đối với các hiệu thuốc trực tuyến bất hợp pháp, đang khiến tình trạng thuốc giả gia tăng.
Ông Michael Deats, người đứng đầu nhóm phụ trách vấn đề thuốc giả tại WHO nói, cần có chính sách toàn cầu về thuốc giả để thay đổi thực trạng này. Hơn 110 quốc gia đã báo cáo về các trường hợp tử vong do thuốc giả, kém chất lượng qua hệ thống giám sát toàn cầu.
Theo ý kiến của ông Bernard Naughton, một nhà nghiên cứu về thuốc giả tại Đại học Oxford, cho rằng đây là vấn đề nhức nhối đòi hỏi sự kết hợp từ các công ty dược phẩm, chính phủ, bác sĩ và toàn thể người dân mới có thể đẩy lùi. Đặc biệt, cần phân biệt giữa hiệu thuốc trực tuyến hợp pháp và một nhà thuốc bất hợp pháp, nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro với sức khỏe người dùng.
Năm ngoái, tổ chức FDA đã hợp tác với các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật quốc tế, đã có hành động nhắm vào 465 trang web bán các thuốc bất hợp pháp như thuốc giảm đau, thuốc điều trị ung thư và thuốc chống virus cho người tiêu dùng ở Mỹ. Trước đó, từ năm 1993, bộ phận thực thi pháp luật hình sự của FDA đã điều tra hàng ngàn kế hoạch tội phạm, bao gồm phân phối các sản phẩm thuốc y tế giả, không được phê duyệt và nhãn hiệu trái phép. Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, FDA cũng đã mạnh tay ngăn chặn tổng cộng 21.970 sản phẩm chủ yếu là thuốc nhập cảnh vào Mỹ vì nghi ngờ đó là thuốc giả, thuốc kém chất lượng.