Reuters cho hay, báo cáo nói trên được UNODC công bố tại Bangkok, Thái Lan. Theo báo cáo, nạn lạm dụng tình dục trẻ em cùng với hành vi buôn bán người lao động để bóc lột họ đang là các vấn đề buôn bán người gây quan ngại ở khu vực Mekong. Báo cáo nêu bật những áp lực về kinh tế đã khiến những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em chấp nhận đi lậu sang Thái Lan để tìm việc trên những công trường xây dựng, nhà máy, nhà thổ hoặc thậm chí là làm ăn xin trên đường phố, khiến họ dễ bị các đường dây tội phạm lợi dụng.
Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ việc những đối tượng phạm tội lợi dụng các công cụ phát trực tuyến để lạm dụng tình dục trẻ em trên internet nhằm phục vụ những kẻ ấu dâm trên khắp thế giới. Ông Deanna Davy – chuyên gia tư vấn cấp cao tại UNODC – cho rằng loại hình tội phạm này đã phát triển đến mức nhu cầu “du lịch tình dục trẻ em qua webcam” đã “vượt quá nguồn cung”.
Ong Jeremy Douglas – đại diện khu vực của UNODC – cho biết thêm rằng, thời gian qua, giới chức Philippines đã tích cực trấn áp nạn khai thác tình dục trẻ em và do nguồn cầu tăng nên các đối tượng phạm tội đã chuyển sang hoạt động mạnh ở các khu vực khác. Những thông tin thu được gần đây cho thấy các trung tâm lạm dụng tình dục trẻ em qua webcam đã chuyển từ Philippines sang Thái Lan.
“Trước đây, Philippines được xem là trung tâm của nạn lạm dụng tình dục trẻ em nhưng các cuộc phỏng vấn do chúng tôi thực hiện gần đây cho thấy các đối tượng đang chuyển hoạt động sang Thái Lan”, ông Douglas thông tin. Theo ông này, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bao gồm cả trẻ em ở Thái Lan và cả các nước khác. “Mọi việc diễn ra trong bóng tối nhưng đây thực sự là vấn đề đáng quan ngại”, ông Douglas nói thêm.
Trước đó, Cơ quan bảo vệ trẻ em của LHQ trong một báo cáo được công bố hồi năm 2016 nói rằng những gia đình nghèo ở Philippines đang đẩy con em họ vào hoàn cảnh buộc phải tham gia hoạt động tình dục trực tuyến với những kẻ ấu dâm trên toàn cầu. UNICEF gọi đây là một dạng nô lệ trẻ em cần phải loại bỏ.
Thái Lan được cho là điểm đến trung tâm của khu vực trong vấn đề buôn bán và đưa lậu đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ các nước láng giềng có nền kinh tế kém hơn như Campuchia và Myanmar. Thống kê chính thức của Chính phủ Thái Lan trong năm 2015 cho biết có khoảng 4 triệu người di cư sống ở nước này và theo ước tính của UNODC, từ 4 đến 23% trong số đó là nạn nhân của nạn buôn người. Trong bối cảnh như vậy, giới chức Thái Lan thời gian qua cũng đã có nhiều động thái nhằm trấn áp hoạt động buôn người bất hợp pháp vào nước này.
Hồi tháng trước, tòa án ở Thái Lan đã kết án hàng chục người, trong đó có cả cảnh sát và chính trị gia, về tội buôn bán người trong phiên tòa xét xử hành vi buôn bán người lớn nhất từ trước tới nay.