“Dớp” khó vượt
Thông tin được nhiều người chú ý trong tuần qua là việc Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị Tòa án tối cao nước này phế truất.
Trong phán quyết được đưa ra ngày 28/7, Hội đồng gồm 5 thẩm phán đã viện dẫn Điều 62 trong Hiến pháp Pakistan, theo đó cho phép bãi miễn các nhà làm luật bị phát hiện có hành vi không trung thực, và nhất trí rằng ông Sharif không còn đủ tiêu chuẩn để tiếp tục giữ chức Thủ tướng.
“Ông ấy không đủ tiêu chuẩn để trở thành một thành viên trung thực của quốc hội, do đó, ông ấy bị đình chỉ giữ chức thủ tướng”, Chánh án Ejaz Afzal Khan tuyên bố.
Quyết định của Tòa án tối cao Pakistan được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 2 tháng của nhóm điều tra chung do Tòa án tối cao chỉ định về cáo buộc cho rằng gia đình ông Sharif không thể giải thích được về số tài sản “khủng” của họ.
Trong báo cáo được gửi tới tòa, nhóm điều tra chung cho biết họ đã nhận được bằng chứng xác thực từ nhà chức trách Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), xác nhận rằng ông Nawaz Sharif không chỉ là chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty có trụ sở tại Dubai mà còn nhận mức lương tương đương 2.722 USD từ công ty này. Công ty này thuộc sở hữu của một trong số các con của ông Sharif.
Việc nhận lương và giữ chức điều hành diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 7/8/2006 đến ngày 20/8/2014, tức gần 1 năm sau khi ông Sharif tiếp quản chức vụ thủ tướng Pakistan.
Điểm mấu chốt ở đây là, ông Sharif đã không kê khai khoản thu nhập này trong các hồ sơ đề cử cũng như kê khai thu nhập của bản thân. Ngay sau phán quyết của tòa, ông Sharif đã tuyên bố từ chức dù vẫn một mực chối bỏ việc có hành vi sai trái.
Ngoài ra, Tòa án tối cao Pakistan cũng đề nghị mở một cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào một số cá nhân, trong đó có ông Sharif, con gái của ông là bà Maryam và chồng của bà này, Bộ trưởng tài chính Ishaq Dar và một số người khác.
Ông Sharif bị phế truất khi chỉ còn gần 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng 5 năm. Với việc bị “đứt gánh giữa đường” như vậy, “lịch sử” đã một lần nữa lặp lại ở Pakistan.
Có một điểm đáng chú ý là, kể từ khi nhà nước Pakistan hiện đại được thành lập vào năm 1947 cho đến nay, trải qua 70 năm hình thành và phát triển, tổng cộng nước này đã có 18 đời thủ tướng nhưng không một ai trong số đó hoàn tất nhiệm kỳ đầy đủ kéo dài 5 năm. Người thì bị ám sát, người thì bị quân đội đảo chính lật đổ. Gần nhất, trước ông Sharif, năm 2012, Tòa án tối cao Pakistan cũng đã phế truất thủ tướng thứ 17 của nước này - ông Yusuf Raza Gilani.
Nguồn cơn bê bối
Trước khi bị phế truất, ông Sharif được rất nhiều người kỳ vọng có thể hóa giải “lời nguyền” bấy lâu nay ở Pakistan. Tuy nhiên, rắc rối ập đến sau vụ rò rỉ 11 triệu tài liệu do công ty luật Mossack Fonseca ở Panama nắm giữ - vụ bê bối vốn được gọi là Hồ sơ Panama.
Các tài liệu này đã cho thấy mối liên hệ giữa nhiều chính trị gia và các lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới với các công ty và tài liệu ở nước ngoài, trong đó có gia đình ông Sharif.
Theo các tài liệu bị rò rỉ hồi tháng 4/2016, 3 người con của ông Sharif đều sở hữu các công ty vỏ bọc ở nước ngoài cùng nhiều tài sản không được đề cập trong bản kê khai tài sản của gia đình. Các công ty này bao gồm Nescoll, Nielsen và Hangon có trụ sở tại quần đảo Virgin của Anh.
Vẫn theo Hồ sơ Panama, các công ty này thực chất chỉ là những công ty bình phong được lập ra để các con của ông Sharif chuyển tiền vào trước khi mua các tài sản ở nước ngoài, trong đó có một số căn hộ ở London, Anh.
Nhiều người cho rằng những công ty vỏ bọc nói trên thực chất được các con của ông Sharif lập ra để che giấu hoặc rửa tiền thu được bất chính hoặc trốn thuế. Chính vì thế nên các tài liệu bị rò rỉ đã ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của ông Sharif.
Trước những phản ứng của dư luận, hồi tháng 4/2017, Tòa án tối cao Pakistan đã yêu cầu mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với ông Sharif, kéo theo đó là việc ông phải từ chức như đã nói ở trên.
Trước mũi dùi dư luận, ông Sharif và gia đình bác bỏ mọi cáo buộc về những hành vi sai trái. Trong một bài phát biểu trước người dân Pakistan tháng 4/2016, ông này khẳng định gia đình mình trong sạch vì “những người có tài sản có nguồn gốc không rõ ràng sẽ không bao giờ dám đứng tên tài sản của họ”.
Ra điều trần trước Quốc hội Pakistan hồi tháng 11 năm ngoái, gia đình ông tiếp tục cho hay những căn nhà ở London được họ mua từ tiền thu được từ những khoản đầu tư ở Qatar.
Ông Sharif không phải là thủ tướng đầu tiên buộc phải từ chức vì vụ rò rỉ Hồ sơ Panama. Trước ông, ngay trong tháng 4/2016, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cũng đã buộc phải từ chức sau khi những tài liệu bị rò rỉ cho thấy ông này và vợ đã che giấu những khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD trong một công ty vỏ bọc ở nước ngoài.
Hồ sơ Panama đã khiến nhiều chính trị gia điêu đứng |
3 nhiệm kỳ không trọn vẹn
Ông Sharif, 67 tuổi, vốn là một chính trị gia xuất thân từ giới doanh nhân. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên ông giữ chức người đứng đầu chính phủ Pakistan mà ông từng giữ kỷ lục 3 lần được bầu làm thủ tướng của nước này. Lần đầu tiên ông làm thủ tướng Pakistan là năm 1990 nhưng chỉ tại vị được 3 năm rồi buộc phải từ chức vì công ty của gia đình ông phát triển quá nhanh và mạnh, dấy lên những nghi vấn có sự không minh bạch.
Tiếp đến, năm 1997, ông Sharif một lần nữa trở thành người đứng đầu chính phủ Pakistan nhưng cũng chỉ được đến năm 1999 lại bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội. Năm đó, ông Sharif sa thải người khi đó đang đứng đầu lực lượng quân đội Pervez Musharraf. Tuy nhiên, tình thế đã bất ngờ xoay chuyển khi ông Musharraf tiến hành đảo chính và giành thắng lợi. Từ cương vị thủ tướng, ông Sharif sau đó bị kết án 14 năm tù giam vì tội tham nhũng.
Ngồi tù được 6 tháng, ông được thả ra theo một thỏa thuận do Ả rập Xê-út làm trung gian và được cho ra nước ngoài sống lưu vong. Năm 2007, ông Sharif trở về nước sau khi đảng PML-N của ông kết liên minh với Đảng nhân dân Pakistan và giành thế đa số trong Quốc hội, buộc ông Musharraf phải rời nhiệm sở.
Sau một số tranh cãi về mặt pháp lý và hiến pháp, năm 2013, ông Sharif đã được bầu lại làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3. Dưới sự lãnh đạo của ông, trong 4 năm qua, Pakistan đã có sự tăng trưởng đáng chú ý về kinh tế cũng như trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tổng tài sản cá nhân của ông ước tính lên đến 1,72 tỉ rupee Pakistan, tức khoảng 16,3 triệu USD, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu nhất Pakistan.
Thêm một điểm đáng chú ý nữa là vụ bê bối của ông Sharif không chỉ khiến ông mất chức mà còn dập luôn cả hy vọng chính trị của con gái ông. 6 tháng trước khi bê bối bùng nổ, nhiều người còn cho rằng cô Maryam Sharif chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm cha. Song, con đường thăng tiến của cô Maryam đã bị xáo trộn khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ.
Hiện nay, không chỉ ông Sharif mà cả Maryam và chồng của cô là Safdar Awan đều đã bị đưa vào diện điều tra. Và với việc cuộc điều tra nhiều khả năng sẽ kéo dài qua hạn chót công bố các đề cử cho cương vị thủ tướng nhiệm kỳ tới, Maryam gần như chắc chắn không có cơ hội trở thành thủ tướng Pakistan.