Báo động số người tử vong do bệnh dại

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tiếp nhận nhiều người bị chó mèo cắn, cào, trong đó có không ít trường hợp tử vong. Đáng lo ngại là các bệnh nhân đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại...

Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. (Ảnh: Quang Nhật)
Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. (Ảnh: Quang Nhật)

Gia tăng số người tử vong do bệnh dại tại Đắk Lắk

Thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, trước đó, vào cuối tháng 1, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân 49 tuổi với biểu hiện lơ mơ, sốt, đau nhức người, nôn ói, sợ gió, sợ nước với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Bệnh nhân tử vong sau 2 ngày nhập viện. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước thời điểm nhập viện 1 tháng, bệnh nhân bị chó chạy rông cắn vào bàn chân bên trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 51 tuổi, trú tại xã Hoà An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 5/2, bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách ngày nhập viện hơn 1 tháng, bệnh nhân bị chó chạy rông cắn vào ngón trỏ, ngón cái bàn tay trái. Do chủ quan nên bệnh nhân cũng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại dẫn đến mắc bệnh và tử vong.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 53 tuổi, trú tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk. Ngày 14/2, bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau đầu. Đến sáng 18/2, bệnh nhân sốt cao kèm sợ nước nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn và tử vong tại nhà vào sáng 19/02. Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 2 tháng trước bệnh nhân bị chó cắn vào bàn tay nhưng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Cùng thời gian trên chó cắn thêm 2 người trong nhà và chó xung quanh, người nhà đã giết chó ăn thịt. Hai người trong nhà có tiêm huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại.

Theo CDC Đắk Lắk, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng của năm 2024 đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong trong khi các tháng tới mới bước mùa nắng nóng, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại. Do đó, CDC khuyến cáo người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình.

3 trường hợp khác bị chó cắn không tiêm phòng cũng tử vong

Trước đó vài ngày, Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận 2 trường hợp phát bệnh dại do bị chó cắn. Trường hợp đầu tiên một người đàn ông 57 tuổi, quê Cà Mau xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió, kích động, dị cảm ngón tay lan ra cánh tay phải sau 4 tháng bị chó cắn nhưng không đi tiêm ngừa.

Trường hợp thứ hai là một bé gái tên 4 tuổi (quê Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt. Trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt và cũng không đi tiêm ngừa. Hai bệnh nhân lần lượt tử vong vào ngày 12/2 và 15/2.

Một ca tử vong khác là người đàn ông 57 tuổi ở Phú Yên bị chó cắn vào bàn tay trái, vết thương trầy xước, chảy máu nhưng ông chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại. Sau đó, ông xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến ngày 8/2, người đàn ông tử vong.

Đi chúc Tết, bé trai 7 tuổi bị chó cắn thủng ruột

Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.

Điển hình như bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại kịp thời.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh vô cùng nguy hiểm, là bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất. Nếu đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên. Tiêm vaccine phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.

Đọc thêm