Báo động tình trạng đột quỵ ở người trẻ

(PLVN) - Vào chiều 9/12, thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời sau khi đi tập thể dục về đã khiến nghệ sĩ, người hâm mộ không khỏi bàng hoàng cũng như lo lắng về nguy cơ đột quỵ ập đến. Mới đây, bệnh viện Bạch Mai cũng đã có những cảnh báo về tình trạng “trẻ hóa đột quỵ “ ở nước ta.
Báo động tình trạng đột quỵ ở người trẻ.
Báo động tình trạng đột quỵ ở người trẻ.

Người trẻ cũng đột quỵ

Theo thống kê từ Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong hơn 2 tuần qua, đơn vị này đã tiếp nhận tới 750 bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%.

Đến giờ anh T chồng của một bệnh nhân chia sẻ, buổi sáng định mệnh đó: Sau khi thức dậy, vợ anh sửa soạn đi làm thì đột ngột thấy chóng mặt, tê bì nửa người, nói hơi khó nghe. Nghĩ là vợ chỉ bị mệt sau đợt chấm thi căng thẳng, anh T đỡ vợ nằm nghỉ trên giường. Đến trưa, không thấy vợ dậy, thương vợ vất vả, anh để vợ nghỉ ngơi thêm. Chiều tối, cũng không thấy vợ dậy, anh đến bên giường lay gọi, nhưng lúc này đáp lại anh chỉ là tiếng ú ớ, ánh mắt như mất hồn của chị vợ. Anh vội vã gọi xe cấp cứu đưa vợ mình tới bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh thăm khám rồi chuyển lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê.

Sau khi khám và đánh giá, các bác sỹ của Trung tâm Đột quỵ nhận định: Bệnh nhân bị đột quỵ tắc thân nền. 

Đó chỉ là 1/60 trường hợp người trẻ bị đột quỵ được khám, cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Đột quỵ. PGS.TS. Mai Duy Tôn chia sẻ: “Số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn dẫn đến mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân liên quan đến đột quỵ: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… 

Mùa đông  và những nguy cơ

Hiện nay các tỉnh miền Bắc đang ở mùa đông lạnh, người cao tuổi sức đề kháng suy giảm là  thời cơ của nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân đột quỵ thường liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Do vậy, trong mùa lạnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

Phòng ngừa tốt cần phải bỏ hẳn thuốc lá. Vì quan sát của tôi cho thấy, vào mùa lạnh, người hay hút thuốc có xu hướng hút nhiều hơn để sưởi ấm cơ thể. Nhưng như chúng ta đều biết, hút thuốc lá là căn nguyên gây ra đột quỵ nên tôi đề nghị phải bỏ hẳn thuốc lá.

Theo các báo cáo được công bố, thấy rằng nguy cơ đột quỵ liên quan đến mùa. Đặc biệt là mùa lạnh. Lý do làm tăng nguy cơ vào mùa lạnh, liên quan đến huyết áp. Vì mùa lạnh, huyết áp cũng thường tăng cao.

Bên cạnh đó, đã có bằng chứng cho thấy, máu dễ có xu hướng tắc nghẽn trong mùa lạnh do các mạch máu co lại dẫn đến nguy  cơ đột quỵ cao. Mùa lạnh người già, trẻ em dễ mắc cúm cũng như viêm nhiễm đường hô hấp điều này sẽ làm nặng các bệnh nền sẵn có. Trong đó có các bệnh lý xơ vữa mạch đó cũng là lý do dẫn đến đột quỵ cũng như nhồi máu cơ tim. Và, người cao tuổi rất dễ tổn thương thay đổi nhiệt độ đột ngột vào mùa lạnh. Đó là những yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ.

Theo đó, người dân cần có thói quen sống lành mạnh. Bỏ thuốc lá, không uống rượu nhiều. Thường xuyên vận động, luyện tập nâng cao sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Phải duy trì các chế độ điều trị đối với các bệnh lý mãn tính dễ nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch. Và những người đã từng đột quỵ phải duy trì chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ để dự phòng tái phát.

 

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn… Nếu ai có bất cứ biểu hiện triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để “cứu não”.

Cũng theo PGS. Tôn: “Với  người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu.”.

Khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.PGS. Tôn cũng chia sẻ thêm.  

Chế độ ăn uống cho người sau khi bị đột quỵ

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tránh tai biến nặng hơn, nhanh hồi phục và giảm bớt sự tiến triển bệnh.

Nhu cầu dinh dưỡng trong ngày của bệnh nhân đột quỵ

Người bệnh đột quỵ nên ăn 25-30g chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như vừng, lạc. Ngoài ra, các loại axit béo trong dầu thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.

Lượng đạm (protein) cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Nên chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc...). Nếu bệnh nhân có kèm theo suy thận, cần giảm lượng đạm từ 0,4 - 0,6g/kg cân nặng/ngày.

Các loại vitamin và chất khoáng có trong các loại hoa quả chín, rau củ, đặc biệt nhiều trong chuối, đu đủ… sữa cần được cung cấp thường xuyên.  Dùng axit folic ít nhất 300mcg mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ. Axit folic có tác dụng chống xơ vữa động mạch, giảm huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu. Nó có trong các loại quả có vị chua, rau lá xanh, các loại đậu, gạo, mỳ và các sản phẩm từ ngũ cốc. Gan cũng chứa nhiều axit này.

Thức ăn phải dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Cần phân bố đều 3-4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê...

Ăn giảm muối và nước. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói, pate, xúc xích…

Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30 - 35kcalo/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên lấy từ rau củ, khoai, đậu đỗ, cơm, mỳ, bún, miến.

Tư thế khi cho ăn là nửa nằm nửa ngồi, chia đều lượng thực phẩm ra thành năm bữa ăn trong ngày; bơm 15 - 20 phút/bữa. Khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2 - 3 giờ tùy theo số lượng mỗi lần ăn. Cần duy trì tập thể dục vừa phải.

Đọc thêm