Báo động tình trạng ngộ độc nấm

(PLO) - Gần đây bác sỹ (BS) Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai liên tiếp nhận cứu chữa bệnh nhân (BN) ngộ độc nấm nguy hiểm chết người, có 15 BN đã tử vong. Bộ Y tế phải ra Công điện khẩn cảnh cáo và chỉ đạo phòng trị ngộ độc nấm.

Bệnh nhi ngộ độc nấm Lý Minh Khôi.
Bệnh nhi ngộ độc nấm Lý Minh Khôi. 
Đa số những người dân sinh sống ở những vùng cao, vùng rừng núi đều có thói quen lên rừng hái nấm, kiếm rau... để ăn. Gia đình chị Lý Thị Thơm, trú tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cũng vậy. Ngày 8/3/2014, chị Thơm cùng con trai là Lý Minh Khôi và cháu chồng là Lý Thị Thùy lên rừng hái nấm. Họ đâu ngờ rằng buổi sáng hôm đó lại là buổi sáng định mệnh của gia đình mình... 
Nhiều gia đình cùng chết vì nấm độc
Sau khi hái được ít nấm tán trắng có vị thơm rất thanh khiết, cũng là lúc bụng đã “kiến bò”, ba người ghé vào nhà một người quen trong rừng là ông Triệu Nho Phú và vợ là bà Vũ Thị Hồi nhờ nấu ăn trưa. Nấu xong nồi canh nấm trắng, cả năm người vui vẻ ăn cùng nhau. Ngày hôm sau cả ba người trong gia đình chị Thơm đều xuất hiện các triệu chứng giống nhau đau bụng dữ dội, nôn nhiều và đi ngoài liên tục. 
Thấy vậy người nhà đã đưa họ đến BVĐK huyện Võ Nhai cấp cứu. Biết họ bị ngộ độc nấm nên các BS vào rừng tìm vợ chồng ông Phú. Đúng như dự đoán, hai vợ chồng ông già tốt bụng cũng đang trong cơn “thập tử nhất sinh”. Thậm chí tình trạng ngộ độc của họ còn nặng hơn cả ba người trong nhà chị Thơm vì sau khi ăn bữa trưa không hết, ông bà còn tiếc rẻ đun lại ăn nốt vào bữa chiều hôm đó. 
Do tình trạng bệnh quá nặng, các các nạn nhân đã được chuyển xuống BVĐK tỉnh, cuối cùng là Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai vào ngày 9/3/2014 trong tình trạng rất nguy kịch (cơ thể suy kiệt vì nôn và tiêu chảy quá nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp giảm mạnh, men gan tăng cao...).
PGS.TS Đỗ Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, BV đã huy động tất cả mọi điều kiện, thuốc men, trang thiết bị y tế để cấp cứu cho các BN. BV cũng đã kết nối với các BV Việt Đức, 108, 103... nhằm tìm kiếm nguồn gan để có thể thay gan cho những BN nguy kịch, đặc biệt ưu tiên cho trẻ em. Tuy nhiên, năm BN này đã không qua khỏi vì hôn mê gan, suy gan quá nặng...
Tiếp theo năm BN kể trên, các BS Trung tâm chống độc BV Bạch Mai lại đón tiếp thêm một loạt BN cũng là người thân trong một gia đình bị ngộ độc nấm ở Tuyên Quang, chỉ sau đó một tuần (ngày 16/3/2014). Không thể qua khỏi cơn nguy kịch, 2/4 BN đã được gia đình tự nguyện xin về chờ chết ngay sau khi nhập viện chưa lâu. Sau đó, hai BN còn lại cũng tự nguyện xin về nhà với lý do đưa tiễn con cháu về chốn vĩnh hằng. 
Lo lắng cho tình trạng bệnh của họ, BV không cho về nhưng họ vẫn kiên quyết dứt dây truyền xin về quê. Không đừng được, các BS đã phải chấp thuận. Theo dự đoán, tình trạng bệnh của các BN này cũng khá nặng và khó lòng qua khỏi. Ngoài hai chùm ca bệnh kể trên, một số ca ngộ độc nấm khác chuyển đến Trung tâm chống độc, trong đó có một thai phụ được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, đứa bé trong bụng đã bị chết lưu. 
Và trong số 15 BN, thật đáng tiếc khi có cả một nhân viên y tế của huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, mặc dù có kiến thức về nấm độc nhưng vẫn “coi trời bằng vung”… 
Không hái, không ăn  nấm dại
Thời điểm chúng tôi đến Trung tâm chống độc, chỉ còn ba BN ngộ độc nấm còn sống sót, nhưng trong tình trạng bệnh vẫn rất nặng. Không khí khu vực hồi sức cấp cứu cũng nhuốm một màu ảm đạm, bởi hiếm khi nào các BS, nhân viên, BN, người nhà BN ở đây chứng kiến nhiều ca tử vong trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Loại nấm khiến 5 người ở Thái Nguyên ngộ độc
Loại nấm khiến 5 người ở Thái Nguyên ngộ độc 
GS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo, ngộ độc nấm để càng lâu càng khó cứu. Đối với nấm tán trắng nói riêng và nấm độc nói chung, càng đến cấp cứu sớm càng tốt. Thực tế, ông Duệ cho hay, qua theo dõi 90-100% BN ăn nấm độc đều tử vong nếu không được cấp cứu, 80% BN tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy khâu sơ, cấp cứu các ca ngộ độc nói chung và ngộ độc nấm nói riêng của tuyến dưới vẫn chưa đạt yêu cầu, BN cũng chưa hiểu biết nhiều về tình trạng ngộ độc, phân biệt nấm độc…
Trước hiện tượng ngộ độc hàng loạt này, Bộ Y tế đã ra Công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh phía Bắc yêu cầu thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc đến tận hộ gia đình bằng mọi hình thức và bằng các phương tiện truyền thông trên địa bàn bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại. 
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho BN và cả ca bệnh nghi ngờ.
BS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai:

Tình trạng ngộ độc và tử vong do nấm độc đã đến hồi báo động. Bởi vậy, ngay từ bây giờ Bộ Y tế phải chỉ đạo và cho người xuống tận trạm y tế, y tế thôn bản để tập huấn, giúp người dân nhận dạng, phân biệt nấm độc, đồng thời truyền thông bằng hình ảnh, loa phát thanh… xuống tận thôn, xóm. Khi bị ngộ độc phải xử trí ngay tại chỗ. 

Cụ thể, phải cho BN uống nhiều nước hoặc móc họng để gây nôn. Sau đó cho BN uống than hoạt tính để đẩy các chất độc ra khỏi hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, y tế thôn bản phải dự trữ sẵn các thuốc như Negalon (bảo vệ gan – 10 viên/người lớn; 4-6 viên/trẻ em); thuốc chữa ho NAC (N-Acetin Cystil) 250mg/gói (150mg/1kg cân nặng; rồi tiếp tục cho uống với liều lượng 350mg/1kg cân nặng), sau đó mới chuyển BN lên tuyến y tế huyện. 

Đọc thêm