Chuyện xúc động về nàng dâu gần 40 năm đợi chồng

(PLO) - Người Tiểu đoàn trưởng ấy đã hy sinh khi chiếc xe tăng do anh chỉ huy đang tiến vào Sài Gòn, húc đổ cổng Dinh Độc Lập đúng 1 giờ sau đó. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng một người vợ mãi vắng chồng từ đó. 39 năm qua, chị sống bằng hoài niệm về anh…
Chị Quách Thị Loan (áo đen)
Chị Quách Thị Loan (áo đen) 
Một ngày tháng Tư hanh hao nắng và lộng gió, chúng tôi về thôn Tân Hưng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang  gặp chị Quách Thị Loan, vợ anh Ngô Văn Nhỡ. Năm chị 27 tuổi cũng là lúc anh hy sinh. Bao năm qua, chị tìm niềm vui bằng việc thay anh chăm sóc bố mẹ chồng cùng đứa con duy nhất với anh và công việc của một y tá. 
Ký ức tháng Tư
Anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn Tăng 203. Ngày 30/4 nghe tin chiến thắng chị vui mừng khôn xiết. Vậy là chậm lắm thì trong tháng 5 chị và anh cũng được đoàn tụ, bõ bao tháng ngày xa cách. Chị mong chờ ngày ấy biết bao. Nhưng linh tính báo cho chị điều chẳng lành, khi mẹ chồng chị, bà Ngô Thị Sửu mơ thấy anh trở về, máu đầy mặt nhưng lặng lẽ không nói gì. Điều này khiến chị hoang mang. Thế nhưng, chị vẫn tin đó chỉ là vì mẹ nhớ về bác Đồng và chú Hòa (anh và em trai anh Nhỡ) đã hy sinh. 
Sài Gòn giải phóng, anh Khương, đồng đội của anh Nhỡ viết thư về cho vợ nói: Trong Tiểu đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn, còn đông anh em chiến thắng sẽ ra Bắc trong thời gian tới, nhưng anh Nhỡ thì không bao giờ trở về. Vợ anh Khương vốn quen biết với chị Loan đã đến báo tin dữ cho gia đình. Chị không tin vào tai mình nữa. Chị viết thư4 gửi Thủ trưởng Bùi Thanh Tùng của Lữ đoàn Tăng 203 xin giấy báo tử cho chồng… Ngày 5/5/1975, cả nhà chị lặng đi, chị ôm con trai mới đẻ khóc lặng người khi chính thức nhận được giấy báo tử từ đơn vị anh gửi về. 
Theo đồng đội kể lại, Lữ đoàn Tăng được lệnh tiến vào Sài Gòn, 3 xe tăng cùng nối đuôi nhau qua cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập. Xe của anh Ngô Văn Nhỡ đi sau cùng. Nhưng khi đến cầu Sài Gòn, xe đi đầu trúng đạn phải ở lại. Xe tăng ở vị trí thứ hai không thể tiến lên được. 
Là một Tiểu đoàn trưởng, lại đang phụ trách xe thứ ba, anh định lên kiểm tra xe thứ hai nhưng vừa nhô lên khỏi ụ pháo thì anh bị trúng đạn của địch. Anh hy sinh khi vẫn còn trên xe. Khi ấy là 10h30, trước thời điểm giải phóng tròn 1 tiếng đồng hồ. Tiểu đoàn trưởng hy sinh, các chiến sĩ Lữ đoàn Tăng tiếp tục xông lên hoàn thành sứ mệnh vẻ vang. 11h30, xe tăng của anh húc đổ cổng Dinh Độc Lập!
Ba tháng và mãi mãi
Anh hy sinh cũng là khi người vợ ở ngoài Bắc đã sinh con trai. Đúng theo nguyện vọng của anh, chị đặt tên con là Việt để ghi nhớ về chiến trường Quảng Trị với Cửa Việt, chợ Đông Hà, sông Thạch Hãn, nơi anh chị đã có ba tháng bên nhau trước trận đánh cuối cùng… 
Chị hồi tưởng về ngày gặp anh. Chị không đẹp nhưng nước da trắng ngần thì con gái làng không ai bằng. Anh về phép đến chơi nhà, bẽn lẽn vần đi vần lại chiếc mũ cối nhưng cũng chẳng thể thốt lên lời tỏ tình với chị. Sau đó anh lại lên đường và những lá thư đã nói thay anh.... Hai gia đình đã nhiều lần chuẩn bị gạo, thịt, rượu chờ anh về tổ chức cưới nhưng đến năm 1973 anh mới về phép. Anh đã đến đơn vị chị ở Hải Phòng xin phép để hai người về quê làm đám cưới. Chưa đầy một tuần, anh trở lại đơn vị.
Chị ra quân vào năm 1974, khi ấy 26 tuổi. Hồi đó, trong nhà đã có hai người con hy sinh. Bố mẹ chồng chị nuốt nước mắt vào trong, bồn chồn lo lắng về trận đánh lớn sắp diễn ra. Trong nhà chẳng có gì, bố chồng đã bán con trâu và động viên chị vào Quảng Trị gặp anh để có con vì chị cũng “lớn tuổi” và lo chuyện thời chiến biết thế nào. 
Chị theo đơn vị anh vào Quảng Trị mới giải phóng gặp chồng. Trong khói lửa của vùng mới giải phóng, quân ta và quân ngụy cách nhau chừng 3km, bên kia dòng Thạch Hãn… Khi biết chắc mình đã mang giọt máu của anh được 3 tháng, chị vội trở ra Bắc vì lo bố mẹ chồng ở nhà sốt ruột. 
Anh ra đi…, chị 27 tuổi, nhiều người muốn “nối dây tơ hồng” nhưng chị thương con, thương bố mẹ chồng nên nhất định không chịu đi bước nữa, mặc cho mẹ chồng chị thương con dâu mà đánh tiếng gần xa. Chị sống với hoài niệm về anh, chị tin rằng anh vẫn quanh chị, trò chuyện, tâm sự cùng chị. 
Năm 1995, chị Loan mới tìm được hài cốt của anh Nhỡ để chuyển về quê, ở cùng vườn nhà với hài cốt một người anh và người em trai của anh./.

Đọc thêm