Báo động tình trạng rẻ rúng hóa... di sản văn hóa!

Ngả nón xin tiền sau mỗi câu hát quan họ, lăng xê liền chị nhí để kiếm tiền, “kỷ lục hóa” quan họ... Đó là những hình ảnh chưa đẹp khi tại những lễ tôn vinh di sản văn hóa nhân loại. Không ai khác, chính ban tổ chức và khách thập phương vì nhiều lý do khác nhau đã “hạ bệ” di sản văn hóa...

Ngả nón xin tiền sau mỗi câu hát quan họ, lăng xê liền chị nhí để kiếm tiền, “kỷ lục hóa” quan họ... Đó là những hình ảnh chưa đẹp khi tại những lễ tôn vinh di sản văn hóa nhân loại. Không ai khác, chính ban tổ chức và khách thập phương vì nhiều lý do khác nhau đã “hạ bệ” di sản văn hóa...

Tôn vinh tài năng quan họ trẻ hay chiêu câu khách khi trong tay liền chị nhí là  nắm tiền khách “bo”?
Tôn vinh tài năng quan họ trẻ hay chiêu câu khách khi trong tay liền chị nhí là nắm tiền khách “bo”?

Kiếm “danh hão” cho di sản

Sự kiện Hội Lim năm nay có đến gần 3.000 người tham gia mặc trang phục quan họ và cùng hát để xác lập kỷ lục Việt Nam đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Có nhiều ý kiến phản biện. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan bày tỏ: “Việc hơn 3.000 người hát quan họ không đúng với thể thức sinh hoạt quan họ ngày xưa. Quan điểm của các nhà khoa học thì phải bảo tồn nó càng gần với nguyên gốc là tốt nhất”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng nguy cơ nhạc dân tộc bị “đám đông hóa”. Quan họ vốn là một nghệ thuật thanh nhạc tinh tế với hệ kỹ thuật nhấn nhá nhả chữ, nảy hạt ở đẳng cấp cao trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền. Với bản chất một thể loại hát đối đáp trai gái, theo truyền thống, việc diễn xướng các làn điệu bao giờ cũng do từng cặp liền anh hay liền chị thể hiện.

Vì thế, việc người ta tổ chức một dàn đại hợp xướng khổng lồ đến hơn 2.000 người để cùng đồng ca quan họ chắc chắn là việc làm đi ngược với truyền thống, triệt tiêu mọi dáng vẻ nghệ thuật đặc sắc vốn có. Đứng ở góc độ chuyên ngành, điều đó thật phản cảm.

Cũng lo ngại về việc Quan họ đánh mất vẻ đẹp truyền thống, GS-TS.Nguyễn Văn Huy - Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Trưởng ban Di sản văn hóa phi vật thể của Hội di sản văn hóa Việt Nam đặt ra câu hỏi: “ Cơ sở nào khiến Ban tổ chức Hội Lim lại làm vậy và họ mong muốn điều gì?”. Nếu mọi thứ cứ chấp nhận và chạy theo những ý tưởng của các tổ chức đăng ký và xét duyệt kỷ lục thì rất dễ đánh mất định hướng bảo tồn của di sản văn hóa đại diện nhân loại.

Người dân vùng quan họ rất tự hào về hát quan, mê các hoạt động liên quan đến phát huy các giá trị quan họ. Các nhà tổ chức nên đưa phong trào hát quan họ trong Hội Lim theo hướng nào? Nhưng hướng họ theo kỷ lục thì có nên chăng? Người quản lý nhận thức không đúng, không đầy đủ thì sẽ quản lý sai. Nhiều người làm công tác quản lý di sản đều đã cảnh báo vấn đề này từ rất lâu rồi nhưng vẫn không được chú ý đúng mức.

Không phải những nhà nghiên cứu văn hóa nói không có lý. Bởi dân ca Quan họ đã có cái “danh” lớn nhất là di sản văn hóa của cả thế giới rồi thì cần gì thêm cái “danh hão” hoành tráng mang nặng tính hình thức? Sự kiện này cũng khiến người dân và du khách quốc tế đến xem hiểu lệch lạc về chất văn hóa hay nói một cách văn chương là hiểu sai về “hồn vía” Quan họ.

Nghe dân ca Quan họ, hiểu và thấm đẫm chất văn hóa Quan họ hẳn nhiều người nhận thấy rằng dân ca Quan họ thể hiện sự tình cảm rất tinh tế, cách nhìn rất tinh tế, sâu sắc chứ không hề khoa trương, không lộng ngôn, không thích thành tích hay xác lập kỷ lục gì cả...

Di sản văn hóa... là gánh hàng rong?

Làm “hoen ố” Quan họ còn phải kể đến màn liền anh, liền chị ngả nón xin tiền tồn tại từ nhiều năm nay. Không ít du khách ngán ngẩm thất vọng khi chứng kiến cảnh các liền anh, liền chị cưỡi thuyền rồng, hát giao duyên và xin tiền du khách. Trên thuyền rồng dạo quanh hồ, liền anh đóng khăn xếp áo the, liền chị tung tẩy dải áo mớ ba mớ bẩy.

Trong khi một người hát thì có đến hai người cùng lúng liếng ngả nón... xin tiền người nghe hát (?!). Hình ảnh này đã làm méo mó, mất đi nét thanh lịch, tao nhã của nét văn hóa chèo thuyền hát quan họ từ bao đời nay. “Ai làm chiếc nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh...”. Chứ đâu phải ngửa ra để nhận mấy đồng bạc lẻ như một... gánh hát rong?

Đỉnh điểm bức xúc hơn khi rất nhiều du khách chứng kiến một liền chị mới 3 tuổi hát quan họ kèm nhặt tiền. Cô bé hát đôi ba câu quan họ chưa rành lại trở thành giọng ca chính cho buổi biểu diễn của một CLB quan họ. Vừa hát, cô bé đứng rét co ro với làn áo mỏng. Rất nhiều liền anh, liền chị đứng đằng sau cổ vũ  mỗi khi cô bé nhận được vài đồng tiền “bo”.

Khi tiền “bo” quá nhiều, họ còn ra nhận hoặc lúi húi nhặt tiền mà liền chị nhí đánh rơi dưới chân. Cô bé vô tư hát quan họ khi người lớn ở đằng sau mình cầm sấp tiền trên tay với khuôn mặt đầy hỉ hả. Họ đã lợi dụng cô bé và lấy quan họ làm phương tiện để kiếm tiền. 

... Cứ thế, mỗi mùa lễ hội, dường như di sản văn hóa nhân loại lại bị mất “duyên” đi ít nhiều bởi sự xô bồ của những người trong cuộc!

Bảo Châu

Đọc thêm