Báo động tội phạm buôn lậu, hàng giả ở TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Tội phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu tiếp tục chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự; tính chất hoạt động chuyên nghiệp ngày càng tăng.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng ngàn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, mỹ phẩm, thực phẩm, đồng hồ đeo tay các loại

“Núp bóng” doanh nghiệp để kinh doanh hàng lậu 

Ngày 9/4, Đội Quản lý thị trường số 27 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM tiến hành khám đồ vật tại nhà do ông Huỳnh Phước Long làm chủ. Kết quả phát hiện, tạm giữ để xử lý, gồm 104 điện thoại di động iPhone và 101 máy tính bảng iPad do Trung Quốc sản xuất, chưa qua sử dụng, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Ngày 25/3, Đội Quản lý thị trường số 18 kiểm tra hộ kinh doanh tại ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn của ông Trần Văn Chiểu, phát hiện nơi đây đang sản xuất bột ngọt hiệu Ajinomoto, bột giặt hiệu Omo, Aba, nước rửa chén hiệu Sunlight giả nên tạm giữ để xử lý…

Trên đây là những vụ việc điển hình trong số hàng ngàn vi phạm mà thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng pháp hiện, xử lý. 

Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP HCM, hoạt động của các đối tượng, đặc biệt là “núp bóng” danh nghĩa doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung vào các lĩnh vực thu được nhiều lợi nhuận bất chính như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thương mại điện tử…

Hàng hóa thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó được chứa trữ tại các kho, điểm trung chuyển, vận chuyển theo phương thức phân tán đến nơi tiêu thụ. Đa số mặt hàng nhập lậu có giá trị lớn, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ hơn so với hàng nhập khẩu chính thức và dễ tiêu thụ trên thị trường.

Đáng chú ý, xu hướng đan xen giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường; sự thỏa hiệp về địa bàn hoạt động, liên kết vùng, miền, hoạt động xuyên quốc gia ngày càng rõ nét. Tội phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu tiếp tục chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự; tính chất hoạt động chuyên nghiệp ngày càng tăng.

Tràn lan hàng giả, hàng lậu trên mạng

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho hay, dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn các hành vi, vụ việc vi phạm nhưng hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt được chưa cao. Một phần là do lực lượng Quản lý thị trường còn khá mỏng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác còn thiếu và yếu.

Công tác quản lý địa bàn của các Đội Quản lý thị trường chưa đi vào chiều sâu. Việc triển khai thực hiện các kế hoạch, việc quán triệt công chức trong thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên chưa được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc.

Thêm nữa, khó khăn nhất hiện nay là việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả trên các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội khi các thông tin trên đó thường là thông tin giả, không đúng sự thật. 

Hoặc khi đã xác định được đối tượng vi phạm và tiến hành kiểm tra xử lý thì đối tượng cho rằng, website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội không phải do các đối tượng này lập để kinh doanh mà do có đối tượng giả mạo.

Đặc biệt, hàng hóa vi phạm thường được chứa trữ tại các căn hộ chung cư, nhà trọ, nhà thuê là chỗ ở, thuộc thẩm quyền ban hành Quyết định khám xét của Chủ tịch UBND cấp huyện nên việc kiểm tra, xử lý tại các nơi này là vô cùng khó khăn và rất phức tạp.

Cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng thu nhập không cao nhưng chuộng sử dụng sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng có giá thành rẻ cũng đã làm cho hàng giả có kênh tiêu thụ và tồn tại lâu dài.

Sửa, bổ sung luật để xử lý 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM, các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, kiểm soát thị trường do nhiều bộ, ngành cùng xây dựng nên thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, bất cập tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động trái pháp luật. Mặt khác, cùng một nội dung vi phạm nhưng nhiều văn bản quy định xử lý khác nhau gây khó khăn cho cơ quan áp dụng xử phạt. 

Do đó, Cục Quản lý thị trường TP HCM kiến nghị Tổng cục Quản lý thị trường xem xét kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bãi bỏ hoặc bổ sung một số quy định tại Nghị định khác do chồng chéo... 

Đơn cử như tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 185/2013 về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng hiện nay, quy định này không còn phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm quy định biện pháp khắc phục hậu quả theo hướng buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 119/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vi nếu không có chế tài thì khả năng người kinh doanh có khả năng tiếp tục đưa hàng hóa quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường...

Mặt khác, theo ông Trương Văn Ba, dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

Do đó, Cục Quản lý thị trường thành phố đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị Bộ Công Thương đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 để tiếp tục triển khai cho những năm tiếp theo.

Theo báo cáo vào cuối tháng 5/2020 của Cục Quản lý thị trường TP HCM, từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2020, Quản lý thị trường thành phố đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý 51 vụ vi phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 4 vụ và xử lý hành chính 3 vụ; chuyển trả lại cho Quản lý thị trường xử lý hành chính 11 vụ; còn thụ lý để điều tra 33 vụ. Một số mặt hàng đã bị phát hiện xử lý hành chính, đơn cử như mặt hàng rượu, bia, nước giải khát đã phát hiện và xử lý 600 vụ; xử phạt với trên 4 tỉ đồng. 

Ngoài ra đã phát hiện và xử lý 87 vụ liên quan phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với số tiền xử phạt trên 1 tỉ đồng. Về thực phẩm chức năng, đã phát hiện và xử lý 220 vụ, xử phạt với số tiền là trên 2 tỉ đồng, tịch thu 73.903 đơn vị sản phẩm và tiêu hủy 168.259 đơn vị sản phẩm...

Đọc thêm