Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa, thuốc giả, thuốc kém chất lượng là sản phẩm thuốc có đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất, hoặc bị làm giả bao bì. Với bề ngoài giống hệt thuốc thật khó phân biệt bằng mắt thường.
Một số loại thuốc không đủ liều lượng có thể chỉ gây ảnh hưởng ở mức không có tác dụng với người bệnh. Tuy nhiên, có một số loại thuốc vì thiếu hoặc không chứa thành phần hoạt chất, có khả năng gây chết người bởi liều lượng không chính xác dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Công nghiệp thuốc giả bùng nổ
Theo WHO, Ấn Độ là trung tâm nhộn nhịp cho hoạt động sản xuất thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Ngành công nghiệp thuốc giả đang phát triển bùng nổ ở Ấn Độ với giá trị xuất khẩu lên đến 8,5 tỷ USD ở hầu hết các thị trường như châu Phi và các quốc gia Mỹ Latin.
Đặc biệt, Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu thuốc phiên bản giá rẻ (thuốc gốc- Generic Drug) lớn nhất thế giới. Loại thuốc này có cùng công thức với thuốc có bản quyền (biệt dược), được sản xuất và bán với giá rẻ sau khi bản quyền biệt dược ấy đã hết hạn. Tổng xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ năm 2016-2017 là 16,84 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu thuốc gốc là 12,7 tỷ USD, chiếm 4,3% tỷ trọng toàn cầu. Mỹ được xem thị trường xuất khẩu dược phẩm lớn nhất của Ấn Độ. Loại thuốc này 40% được bán và kê toa tự do ở Mỹ. Trong khi đó tại Anh, ¼ thuốc gốc đến từ Ấn Độ, chiếm 80% các đơn thuốc trong Hệ thống chăm sóc sức khỏe công của chính phủ Anh- nơi cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho tầng lớp nghèo. Ấn Độ chiếm 42% thị trường thuốc gốc châu Phi và Trung Đông…Từ đây, thuốc giả đang gây những ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh của Ấn Độ ở nước ngoài.
Điển hình, hồi cuối năm 2012, 60 người ở hai thành phố của Pakistan đã chết sau khi uống siro ho tăng chiều cao. Cơ quan chức năng đã kiểm tra các mẫu thuốc ho và phát hiện thành phần thuốc có chứa “Levomethorphan”. Đây là tạp chất không được phép có trong thuốc, liều lượng mạnh hơn gấp 5 lần so với morphin và là nguyên nhân dẫn những cái chết hàng loạt này.
Tiếp đó vào tháng 9/2013, 44 trẻ em ở Paraguay phải nhập viện vì khó thở. Nguyên nhân là do những đứa trẻ này đều uống một loại thuốc ho được chính quyền địa phương cung cấp. Sau đó, các nhà chức trách phát hiện số thuốc ho này cùng lô với loại siro ho khiến 60 người chết ở Pakistan. May mắn, các bác sĩ ở Paraguay kịp thời cứu chữa nên không có trường hợp nào tử vong.
Theo điều tra của WHO, lô thuốc này được sản xuất từ nguồn nguyên liệu Dextromethorphan của Công ty Konduskar Laboratories Privates Limited, Kolhapur, Ấn Độ. Ngay lập tức, WHO đã ra lệnh niêm phong toàn bộ thuốc của công ty này. Song vì phát hiện muộn nên nhiều lô thuốc đã được xuất khẩu tới các quốc gia ở châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.
Hình minh họa |
Ở Colombia và Peru nhiều nguyên liệu đã được sử dụng trong sản xuất thuốc ho, nhưng sau đó đã kịp thu hồi trước khi tiếp cận bệnh nhân. Tuy nhiên, những lô khác đến các nước Trung Đông không thể truy tìm được vì bị phân tán đi khắp nơi, từ đó dẫn đến những hậu quả đau lòng như ở Paraguay và Pakistan.
Để ngăn chặn nạn thuốc giả hoành hành, trong năm 2009, Bộ Y tế Ấn Độ đã tuyên bố trao thưởng 55.000 USD cho những ai cung cấp thông tin về các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Bộ này cũng thắt chặt luật áp dụng đối với ngành dược và thúc đẩy việc xét xử những kẻ làm giả thuốc. Nếu bị kết án, tội phạm sản xuất và tiêu thụ thuốc giả có thể ngồi tù cả đời.
Tuy nhiên, chiến dịch không có hiệu quả cao vì quá ít người dám đứng ra tố giác. Bởi lợi nhuận từ bán thuốc giả còn lớn hơn rất nhiều so với buôn bán ma túy. Buôn bán ma túy phải coi chừng cảnh sát, trong khi thuốc giả thì không.
Cũng theo WHO đánh giá hơn 50% thuốc giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc giả từ Trung Quốc thường được xuất khẩu theo hai đường. Đường đầu tiên là thuốc giả quá cảnh ở Hong Kong, sau đó được đóng thành kiện gửi đi Mỹ, châu Âu, Nhật và Nam Mỹ. Đường thứ hai của thuốc giả là trung chuyển sang Trung Đông, sau đó gửi theo từng lô đến châu Phi bằng đường biển hay đường hàng không.
Các quan chức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế chỉ ra rằng, mối đe dọa từ thuốc giả của Trung Quốc thậm chí còn hơn cả chủ nghĩa khủng bố. Bởi chủ nghĩa khủng bố trong 40 năm đã hại chết 65 ngàn người, còn thuốc giả tại Trung Quốc một năm có thể cướp đi sinh mạng của 200 ngàn người.
Thách thức toàn cầu
Thuốc kém chất lượng sẽ có giá trị thấp hơn và thường tấn công vào các nước thu nhập thấp và trung bình. Đây hiện là thực trạng đáng buồn về ngành công nghiệp sản xuất và phân phối thuốc trên toàn cầu.
Nó là mạng lưới phức tạp, đan xen qua nhiều quốc gia và khó có thể theo dõi được những loại thuốc giả hoặc không đạt chuẩn đến từ đâu. Có thể thấy, thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang hoành hành khắp thế giới.
Các chuyên gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế cho biết, mỗi năm có từ 100.000 đến một triệu người chết vì sử dụng thuốc giả, nhưng không ai có thể biết chính xác số liệu, vì không bác sĩ nào dám chắc chắn rằng bệnh nhân tử vong là do thuốc giả.
Đó có thể là do chẩn đoán bệnh sai, hoặc thuốc điều trị là thật nhưng được dùng quá muộn. Chính vì lẽ đó, hành vi sản xuất và lưu hành thuốc giả càng khó phát hiện hơn.
Ông Peter Gillespie, 64 tuổi, một doanh nhân người Anh đã bị phạt tù 8 năm vì liên quan đến đường dây buôn bán thuốc giả nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại châu Âu và kiếm lợi được 3 triệu bảng Anh.
Hình minh họa |
Theo đó, 72.000 hộp thuốc giả được sử dụng để điều trị bệnh tim, ung thư tuyến tụy và bệnh tâm thần - trị giá 4,7 triệu bảng Anh, đã bị tuồn vào hệ thống cung cấp thuốc của nước này từ tháng 12/2006 đến tháng 5/2007. Ngoài ra, khoảng 25.000 hộp thuốc cũng được phân phối đến các nhà thuốc và bán cho bệnh nhân.
Số thuốc giả này đã đặt sức khỏe của hàng nghìn người Anh vào vòng nguy hiểm bởi vì chúng chỉ chứa 50-80% hoạt chất có tác dụng chữa bệnh cộng với các tạp chất khác. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì số thuốc giả này không gây chết người hay bất cứ trường hợp phản ứng phụ nghiêm trọng nào.
Đây là trường hợp may mắn vì không có người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Thomas Rybinski, 56 tuổi sống ở Tennessee, nước Mỹ bị bệnh đau lưng từ năm 2012. Ông đã ngã bệnh và chết vì tiêm phải loại thuốc không được kiểm soát về chất lượng và có chứa chất gây viêm màng não. Thomas là 1 trong 64 người chết vì lô thuốc do nhà thuốc New England phân phối tới gần 800 người dùng ở Mỹ.
Từ tháng 12/2014 đến tháng 8/2015, hơn 1.000 bệnh nhân Congo nhập viện với triệu chứng cứng cổ vốn phổ biến ở bệnh viêm màng não. Cuộc điều tra tiến hành tháng 3/2017 cho thấy họ đã uống phải thuốc chống loạn thần dẫn đến những cơ co thắt không tự chủ ở mặt, cổ, cánh tay mặc dù bao bì bên ngoài ghi thuốc an thần. Tháng 7/2017, chính phủ Uganda phát hiện thuốc ung thư Avastin và Sutent giả được bày bán công khai ngay gần “gần các trung tâm điều trị ung thư tại thủ đô Kampala”.
Đảm bảo chất lượng thuốc hiện nay là thách thức toàn cầu. Bởi các đường dây sản xuất thuốc giả thường xây dựng những mạng lưới toàn cầu. Một viên thuốc có thể được sản xuất từ nhiều nguyên liệu có nguồn gốc từ nhiều quốc gia. Sau đó thuốc sẽ được vận chuyển qua nhiều cảng, được đóng gói đi, đóng gói lại ở các quốc gia khác nhau và cuối cùng mới bày bán ra thị trường.
Trong quá trình này, rất khó có thể kiểm soát được thuốc giả, thuốc kém chất lượng trà trộn vào. Chẳng hạn như hóa chất tổng hợp ở Trung Quốc có thể kết hợp với tá dược ở Ấn Độ rồi được đóng gói ở Mexico trước khi chuyển tới hãng dược ở Canada.
WHO ước tính khoảng 30% quốc gia trên thế giới không có cơ quan quản lý dược phẩm có chức năng tương tự như Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA). Do vậy sự phối hợp quốc tế giữa các quốc gia là điều cần thiết nhất hiện nay.
Ngoài ra, khi nhập khẩu một loại thuốc nào đó, nhà chức trách nước sở tại cần kiểm tra hồ sơ, giấy tờ để xác minh tính hợp pháp của dược phẩm, cũng như tiến hành kiểm tra tại chỗ bao bì, thành phần và hình dạng của các loại thuốc. Đồng thời tránh để bọn tội phạm sử dụng giấy tờ giả qua mặt cơ quan chức năng.