Thành công từ “bệ đỡ” mạng xã hội
Single mới ra mắt của ca sĩ Sơn Tùng M-TP – “Hãy trao cho anh” đã gặt hái được thành công vang dội trên nền tảng mạng xã hội. Cụ thể trên Youtube ca khúc đã đạt hơn hai chục triệu lượt view chỉ sau hai ngày phát hành, vươn lên tốp 1 trending Youtube Hàn Quốc, điều mà chưa nghệ sĩ Vpop nào làm được. Không chỉ khuấy động thị trường âm nhạc châu Á, ca khúc có sự xuất hiện của rapper huyền thoại người Mỹ Snoop Dogg, còn nhận được nhiều lời khen ngợi của giới truyền thông của Mỹ.
Có thể nói, thành tích này có được công lớn nhất phải kể đến công sức ngày đêm “cày view” của cộng đồng Sky (fanclub của Sơn Tùng M-TP). Bởi công tâm đánh giá, “Hãy trao cho anh” không phải là ca khúc xuất sắc nhất của Sơn Tùng; cũng không phải ca khúc thực sự đặc sắc đối với nền văn hóa Âu – Mỹ dù mang theo hơi hướng của dòng nhạc Latin Reggaeton đang chiếm hữu nhiều vị trí đầu bảng trong các Bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ.
Vpop vẫn còn đang 'loay hoay' thoát khỏi ảnh hưởng của các cường quốc âm nhạc lân cận như Hàn, Nhật, Trung |
“So sánh với những tuyệt phẩm như Despacito của Lusi Fonsi thì khoảng cách vẫn còn rất xa nếu nam ca sĩ 25 tuổi muốn theo đuổi dòng nhạc này” – một khán giả Mỹ đánh giá. Chưa kể lời bài hát khó nghe rõ lời, nên khi kết thúc bài hát hầu như không đọng lại gì. Tuy vậy, điều mà Sơn Tùng M-TP đã thuyết phục được khán giả là sự chỉn chu và đầu tư lớn từ âm nhạc cho tới trang phục, cảnh quay, bạn diễn… cũng như một lối tư duy “dám nghĩ dám làm” để bắt kịp với những xu hướng âm nhạc của thế giới.
Tuy nhiên, việc nam ca sĩ đã thực sự bắt kịp được với xu hướng của thế giới hay chưa vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Hành trình để chinh phục thị trường Hàn Quốc hay thị trường Âu – Mỹ chưa bao giờ dễ dàng với ca sĩ nhiều nước. Trong đó, nói riêng giới âm nhạc Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đi trước có tên tuổi, thực lực như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Bùi… cũng đã có những bước đầu “chạm chân” vào thị trường quốc tế nhưng đến nay hầu hết đều “dậm chân tại chỗ”.
Cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Hồ Ngọc Hà và nhà sản xuất âm nhạc Fernando Garibay |
Quả thực, những gì khán giả đang thấy mới chỉ là bề nổi. Thành công của Sơn Tùng M-TP như nam ca sĩ tự nhận định “mới chỉ dừng ở trên nền tảng mạng”. Với sự phát triển của các trang mạng trực tuyến, người hâm mộ giờ đây có tiếng nói lớn hơn và có thể góp phần giúp thần tượng của mình trở nên nổi tiếng hơn. Song, chu kỳ của một hiện tượng mạng là “sớm nở chóng tàn”; chỉ khi người nghệ sĩ thực sự thuyết phục được khán giả bằng thực lực của bản thân mình, không cần dựa dẫm vào bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào thì tác phẩm ấy, nghệ sĩ ấy mới ghi được dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, đặc biệt khán giả quốc tế còn gặp phải rào cản về ngôn ngữ.
Giấc mơ Mỹ: Một cây làm chẳng nên non!
Nếu so sánh nền âm nhạc Việt Nam với nền âm nhạc của Hàn Quốc, có thể thấy khoảng cách không hề nhỏ. Nhưng chúng ta cũng thấy, để đạt được giấc mơ “Mỹ tiến”, nhiều ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng đã phải “chật vật” như thế nào mà vẫn chưa đạt được giấc mơ này, kể đến những cái tên đình đám như PSY, Girls Generation (SNSD), Wonder Girls, JYP, Big Bang… Phải qua biết bao thất bại của các lớp “anh chị” đi trước, chỉ có nhóm nhạc BTS thành công tạo được một dấu ấn, một chỗ đứng trong thị trường âm nhạc nước Mỹ. Khó khăn lớn nhất của những nghệ sĩ châu Á khi bước vào thị trường Âu – Mỹ là rào cản ngôn ngữ.
Thanh Bùi từng hợp tác với Apl de Ap |
Ví dụ, đối với mỗi ca khúc hit, nhóm nhạc Wonder Girls và SNSD đều phải thực hiện cả 2 phiên bản tiếng Anh và tiếng Hàn. Điều này không những “vắt kiệt” sức lực của nghệ sĩ mà còn khiến họ không thể tập trung vào làm sản phẩm chất lượng hơn, phù hợp hơn với đối tượng khán giả mục tiêu, bởi gu âm nhạc của công chúng Hàn Quốc và công chúng Mỹ khác nhau rõ rệt. Riêng nhóm nhạc BTS được giới chuyên môn Mỹ đánh giá là vừa giữ được màu sắc riêng của BTS, vừa kết hợp hài hòa các yếu tố văn hóa bản địa với các nền văn hóa khác, cho khán giả Âu - Mỹ thấy được những điều họ chưa từng thấy ở xã hội phương tây; ví như điệu nhảy cổ của người dân Hàn Quốc, trong nền nhạc truyền thống Pansori, pha trộn một chút hơi hướng âm nhạc reggae của người Jamaica....
Nhìn lại trong nước, yếu tố đầu tiên là bản sắc riêng thì có thể thấy ngay Vpop vẫn đang phải “loay hoay” thoát khỏi sự ảnh hưởng của các nền âm nhạc lớn lân cận như Hàn, Nhật, Trung, Thái Lan,… Chưa nói đến thị trường Mỹ, âm nhạc Việt muốn bước ra khỏi “ao làng” tiến vào thị trường châu Á vẫn còn là chặng đường khó khăn trước mắt. Điều này không thể chỉ được thực hiện bởi một, hai nghệ sĩ có tên tuổi, mà phải là sự chung tay của rất nhiều lớp nghệ sĩ đi trước và sau này để nâng tầm vị thế của nhạc Việt.
Như nam ca sĩ “Hãy trao cho anh” bày tỏ: “Vpop bây giờ thật sự không có trên bản đồ âm nhạc thế giới… Bản thân em không hề nghĩ đến hai chữ Mỹ tiến khi thực hiện dự án lần này, cái mà em nhìn vào ở đây là ngôn ngữ Việt Nam, là người Việt mình có rất nhiều người giỏi, em ước gì có thể cùng họ thêu dệt giấc mơ này cùng với nhau”./.