Bao giờ trẻ em không còn tìm đến cái chết vì bị... bắt học?

(PLO) - Cha mẹ ngày nay đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, bắt con học cho bằng bạn bằng bè, học ở trường, ở nhà rồi ra trung tâm... mà không hề biết rằng tất cả những hành động đó đang khiến số lượng trẻ em và thanh, thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn 
Ảnh minh họa từ Internet.

29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề tâm thần

Chán sống, tìm đến cái chết vì áp lực học hành – câu chuyện đó giờ đây không còn là hiếm nữa, khi ngày càng có thêm nhiều vụ học sinh tự tử khiến người lớn giật mình, đơn cử như vụ nữ sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh tử tự trong lớp học. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô. 

Câu chuyện của nữ  sinh lớp 7 tại Hà Tĩnh tự tử trong lớp học do lo âu, buồn chán, đã được bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhắc đến trong cuộc làm việc giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UNICEF Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Hải Ngoại (ODI) về Báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam (Báo cáo nghiên cứu). 

Để có bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ tâm thần của nhóm đối tượng trẻ em, vị thành niên, thanh niên Việt Nam, UNICEF Việt Nam đã nghiên cứu nhóm đối tượng 11-24 tuổi tại 4 tỉnh gồm Hà Nội, TP HCM, Điện Biên, Hà Giang theo 2 phương pháp tiếp cận chính từ tài liệu có sẵn và nghiên cứu định tính. Kết quả cho thấy, các vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến ở trẻ em và thanh niên Việt Nam là lo âu, trầm cảm, sự đơn độc (hướng nội) và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý.

TS. Fiona Samuels, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, khó có thể đưa ra số liệu chính xác nhưng các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội đang gia tăng, lan rộng, đặc biệt ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Tỉ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần chung ở trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam từ 8-29%, từ mức độ nhẹ chưa phải điều trị đến nặng. Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử ở Việt Nam là 2,3%, dù thấp hơn tỉ lệ chung toàn cầu (9%) nhưng đang có xu hướng gia tăng. Trong số 409 người từng nghĩ đến tử tự có 102 người đã từng tìm cách tự tử, trong đó nhóm tự gây tổn hại bản thân như rạch tay hay tự nhốt mình ở nữ cao hơn nam.

Nguyên nhân tự tử chủ yếu do thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình, các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc. Trong các yếu tố nguy cơ, sự cô lập là căn nguyên quan trọng, kế đó là sử dụng quá nhiều internet; gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, lo sợ bị la mắng; áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bắt nạt; sống xa gia đình; thất bại trong mối quan hệ tiêu cực...

Thế chân kiềng để gỡ rối tâm lý

Không chỉ đưa ra báo cáo, Tổ chức UNICEF Việt Nam còn khuyến cáo rằng: Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, làm cho trẻ em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, điều này đã vi phạm quyền cơ bản của các em.

Từ góc độ ngành LĐTBXH có thể thấy hiện mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc với hơn 418 cơ sở, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập. Cả nước đã có 45 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và 40 trung tâm công tác xã hội (CTXH). M

ạng lưới cơ sở cung cấp nhiều dịch vụ cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em, thanh thiếu niên như dịch vụ: công tác xã hội tư vấn, phát hiện, sàng lọc, chăm sóc, can thiệp, trị liệu, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đặc biệt và hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu cần thiết.

Hàng năm, đội ngũ người làm CTXH được đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp, tâm lý học lâm sàng, quản lý trường hợp đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, chăm sóc và phục hồi chức năng luân phiên cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ CTXH với điều trị y tế.

Tuy nhiên, dựa vào một loạt cuộc phỏng vấn với các nhà cung cấp dịch vụ, người trưởng thành, trẻ em/thanh thiếu niên, Báo cáo nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố bảo vệ gồm môi trường gia đình gắn kết, mạng lưới xã hội và bạn bè tốt, giáo viên hỗ trợ và tấm gương để noi theo. Điều kiện kinh tế hộ gia đình tốt hơn cũng như sự có sẵn của các dịch vụ cũng giúp giảm bớt gánh nặng lên trẻ em, qua đó giảm bớt những căng thẳng tiềm ẩn. 

Đọc thêm