Bạo hành trẻ từ trong gia đình: Trừng trị, răn đe người vi phạm là không đủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, việc trừng trị hành vi sai phạm là chưa đủ. Điều quan trọng nữa là cần các giải pháp đồng bộ, vừa mang tính răn đe, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương trong cộng đồng.
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. (Ảnh minh họa. Nguồn: UNICEF)
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. (Ảnh minh họa. Nguồn: UNICEF)

Một số câu chuyện đáng buồn xảy ra thời gian qua đã cho thấy tâm lý lệch lạc đáng lo của nhiều bậc cha mẹ trong nuôi dạy con cái.

Mới đây, dư luận lại xôn xao xót thương một em bé hơn 1 tuổi với cơ thể đầy thương tích, nghi do cha mẹ bé gây ra. Được biết, cha mẹ của bé chở con đến nhờ cô ruột chăm sóc. Người cô phát hiện cơ thể cháu nhiều vết thương lớn nhỏ, vết bỏng rộp, tay phải bị gãy. Quá đau xót và bức xúc, người cô đã tố cáo đến cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng tìm đến thì cha mẹ cháu bé không còn ở nơi trọ.

Sự việc làm nhiều người nhớ lại một câu chuyện xảy ra chưa lâu: một em bé 3 tuổi cũng nghi bị mẹ và bạn trai “bạo hành”. Theo đoạn clip do người cha của cháu bé đưa lên mạng, cháu có dấu hiệu bị bạo hành và nghi bị dụ dỗ sử dụng ma tuý. Qua test nhanh, cơ quan công an phát hiện mẹ cháu bé và người bạn trai dương tính chất ma túy, còn bé âm tính. Quá trình điều tra, hai người này thừa nhận hành vi như nội dung đoạn clip đăng tải, nhưng cho rằng chỉ là đùa giỡn, không có ý định hại bé. Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam người bạn trai về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, đồng thời đang củng cố hồ sơ xử lý cả hai về hành vi dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Đáng buồn là những sự việc bạo hành trẻ không phải hiếm gặp trong cuộc sống. Nghiêm trọng và đau đớn nhất có khi lại là những vụ bạo hành do chính bậc sinh thành của đứa trẻ gây ra. Đã có những vụ việc rúng động xã hội, như cha mẹ đánh con đến thương tật, thậm chí cùng người khác hành hạ con đến tử vong.

Pháp luật Việt Nam có quy định xử lý nghiêm đối với hành vi bạo hành trẻ em. Tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định hành hạ trẻ em là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó, người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử phạt tương ứng với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả để lại.

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi hành hạ trẻ em có thể bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo Điều 52, 53 Nghị định này, cha, mẹ, ông, bà, người thân trong gia đình có hành vi hành hạ trẻ em sẽ bị xử phạt theo nhiều mức độ. Trường hợp có hành vi đánh đập gây thương tích, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng…

Khi hậu quả xảy ra, người vi phạm sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt. Nhưng, quan trọng hơn là làm thế nào để ngăn chặn triệt để những hành vi bạo hành, bảo vệ được trẻ tránh xa sự đối xử tàn tệ.

Có nhiều vụ bạo hành trẻ em diễn ra trong thời gian dài nhưng không được quan tâm đúng mức. Khi sự việc được phát hiện thì các em đã bị tổn hại nghiêm trọng về thể xác, tinh thần, thậm chí mất đi mạng sống.

Trong nhiều vụ việc, khi hậu quả xảy ra rồi, những người thân, hàng xóm, người quen biết... mới bày tỏ thái độ “bàng hoàng”. Có nhiều trường hợp, những người chung quanh cũng có phản ánh “hay thấy trẻ khóc, bị đánh” nhưng không mấy ai can thiệp vì nghĩ “cha mẹ đánh con là chuyện thường”, hoặc cho là chuyện không liên quan đến mình. Đôi khi chính những người gần gũi với trẻ cũng không đủ sự quan tâm sâu sát, hoặc chưa nhận thức trẻ đang là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Cũng trong nhiều sự việc đau lòng, khi hậu quả nghiêm trọng xảy đến, người ta mới đặt câu hỏi vai trò của các tổ chức bảo vệ trẻ em ở đâu? Vì sao các em bị hành hạ trong thời gian dài mà không ai hay biết, không ai lên tiếng?

Với thực trạng này, việc bảo vệ trẻ em, chống lại bạo hành trẻ không chỉ dừng ở tuyên truyền phổ biến pháp luật hay xử lý thật nghiêm người vi phạm. Điều quan trọng nữa là cần nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và phát huy vai trò của các tổ chức bảo vệ trẻ em từ Trung ương đến địa phương.

“Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp của nam giới và củng cố nam tính. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy.

Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ” - Nguồn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF).

Đọc thêm