Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên: Cần rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả

(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vừa qua, một số đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá thêm về chi phí bỏ ra và tính hiệu quả xã hội của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định cho phù hợp.
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (BHTNNN) của công chứng viên (CCV), có ý kiến đề nghị kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành về BHTNNN của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc và quy định rõ hơn về mua bảo hiểm trách nhiệm cho CCV trong Luật; giao Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thống nhất ban hành bộ quy tắc về BHTNNN của CCV. Chính phủ đề nghị quy định văn phòng công chứng (VPCC) có nghĩa vụ mua BHTNNN cho CCV, tuy nhiên, không quy định đây là bảo hiểm bắt buộc như Luật hiện hành.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của CCV trong hành nghề công chứng. Việc quy định BHTNNN của CCV là bảo hiểm bắt buộc có tính chặt chẽ, an toàn cao hơn cho hoạt động nghề nghiệp của CCV. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36a quy định BHTNNN của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với BHTNNN của CCV.

Theo UBTVQH, việc bổ sung quy định về BHTNNN của CCV là phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, vì mục đích của hoạt động công chứng là nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, sản phẩm BHTNNN của CCV sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của CCV trong việc hành nghề công chứng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất về việc ngành nghề công chứng là phải có bảo hiểm. Song, Đại biểu cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ, theo đó không bắt buộc mỗi CCV phải mua bảo hiểm. “CCV của phòng công chứng nhà nước thì dễ; còn đối với VPCC, cá nhân CCV phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm, trong khi đó, trong hành nghề công chứng, trách nhiệm thuộc về cá nhân và nếu có sơ suất xảy ra, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Người ta làm tốt mỗi năm mà bỏ tiền ra để mua bảo hiểm như vậy là rất lãng phí”, Đại biểu nói và đề nghị quy định, đối với VPCC, tùy điều kiện cụ thể và ý thức tự giác của CCV mà mua hay không mua bảo hiểm.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) chỉ ra rằng, theo quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng và bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị, trên cơ sở quy định này, cần đối chiếu, cân nhắc kỹ, xác định rõ BHTNNN của CCV có phải là bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi công cộng hoặc an toàn xã hội hay không.

Bởi theo Đại biểu, CCV hoạt động chủ yếu theo tư cách cá nhân và tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện. “Tôi đề nghị rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả xã hội, chi phí bỏ ra để mua bảo hiểm bồi thường cho bên bảo hiểm khi CCV xảy ra các sự kiện pháp lý để có cơ sở thực tiễn đầy đủ khi đưa ra quy định”, Đại biểu nói.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định về BHTNNN của CCV là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành. “Nó có một mặt bất cập là, trong nhiều trường hợp, việc yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm là tương đối khó, dẫn tới không thu hút được việc đóng bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm. Đây là vấn đề bất cập trong thực tiễn, tôi nghĩ sẽ phải có giải pháp để xử lý, tháo gỡ”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, với tính chất là dịch vụ công và là nghề bổ trợ tư pháp, dịch vụ công chứng có tính rủi ro nghề nghiệp rất cao nên đòi hỏi phải có hình thức bảo hiểm. “Đây cũng là thông lệ quốc tế”, ông Hoàng Thanh Tùng nói và cho biết cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp cơ quan soạn thảo để có giải trình tiếp thu, hoàn thiện nội dung này.

Đọc thêm