Dự án Luật Công chứng (sửa đổi): Số lượng công chứng viên cơ bản đáp ứng yêu cầu

(PLVN) - Sáng 25/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với mô hình tổ chức của văn phòng công chứng theo Điều 20 dự thảo Luật.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Phạm Thắng)
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Phạm Thắng)

Đại biểu đề xuất cân nhắc mô hình tổ chức

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nhận thấy, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

ĐB cho rằng, ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì việc cho phép thành lập loại hình VPCC do 1 công chứng viên (CCV) làm chủ là rất phù hợp. Một mặt vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với loại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Do đó, ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình TCHNCC. Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình VPCC chỉ có 1 CCV, tức là loại hình doanh nghiệp (DN) tư nhân.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cân nhắc mô hình tổ chức của VPCC bởi một số lý do: các VPCC tư nhân do một số CCV thành lập có thể có các CCV hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của VPCC; hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các TCHNCC nếu đủ điều kiện nên các địa phương có thể chủ động trong việc bảo đảm phân bố các TCHNCC… ĐB Hạnh nhận thấy, chỉ nên duy trì mô hình VPCC hợp danh để bảo đảm trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của VPCC.

Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, chịu trách nhiệm đến cùng

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng. (Ảnh: minh họa).

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng. (Ảnh: minh họa).

Cuối phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Ông Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án Luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây do Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, theo chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng quan điểm, cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi.

Trong đó, về mô hình của TCHNCC, năm 2006, chúng ta mở ra 2 mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện Luật năm 2006 nhận thấy không phù hợp, nhất là tính ổn định, nhất quán, chịu trách nhiệm đến cùng trong các hoạt động giao dịch… của mô hình chỉ có 1 CCV. Năm 2014, Chính phủ tiếp tục trình 2 mô hình và QH xem xét, quyết định chỉ có 1 mô hình (mô hình VPCC phải do từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên thành lập theo Luật Công chứng 2014 - PV).

Về cơ sở thực tiễn, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 CCV và 1.300 TCHNCC, như vậy trung bình có 2,5 CCV đối với một TCHNCC, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị QH cân nhắc thêm thông tin này để xem xét, quyết định vấn đề mô hình của VPCC.

Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các TCHNCC, mà chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi vẫn có các cách thức khác nhau để các TCHNCC giới thiệu như mở website, hoạt động đúng theo chức trách và được người dân, được tổ chức tin tưởng bằng các cách thức khác nhau và đặc biệt là tạo uy tín nghề nghiệp…

Cũng trong ngày 25/6, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len bằng hình thức biểu quyết điện tử; Nghị quyết về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XV đối với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đọc thêm