Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài: Giúp nâng cao giá trị của Doanh nghiệp Việt Nam

(PLO) - Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp vẫn luôn là một vấn đề đang được quan tâm bởi quyền sở hữu trí tuệ được coi là tài sản vô hình của doanh nghiệp.
PGS.TS Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Sáng ngày 24/10, tại Hà Nội, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội quốc tế bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (AIPPI) tổ chức Hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Tham dự hội thảo, các doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức, quy định của pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, các dịch vụ của WIPO dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Mai Hà – Chủ tịch VIPA cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế, tài sản sở hữu trí tuệ có vai trò ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng vai trò to lớn này nhiều khi chưa được doanh nghiệp đánh giá đúng và đủ. Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là bảo hộ tài sản trí tuệ của mình nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Lợi thế mà các doanh nghiệp có được khi độc quyền sở hữu đối với một tài sản trí tuệ là các doanh nghiệp này sẽ có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường, hạn chế hành vi sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh hoặc có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, sở hữu trí tuệ sẽ giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp khi được định giá bởi các nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính nhờ độc quyền sở hữu tài sản trí tuệ có giá trị. Đồng thời, sở hữu trí tuệ cũng tạo thu nhập cho doanh nghiệp thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

“Tại Hội nghị Thủ tướng chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu cao khẩu hiệu “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”. Nhận thức được định hướng này, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã, đang và sẽ tập trung nỗ lực hỗ trợ các hội viên doanh nghiệp trong việc nắm rõ hơn kiến thức về sở hữu trí tuệ, khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ và bảo đảm quyền lợi đối với tài sản trí tuệ của mình hơn nữa” – PGS.TS Mai Hà nói.

Đọc thêm