Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Mai Xuân Thành đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Toạ đàm về bảo lãnh thông quan |
TCHQ hiện đang được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế BLTQ. Xin ông cho biết cụ thể về cơ chế BLTQ?
- Theo quy định, để được thông quan hàng hóa XNK, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến hàng hóa như: Nộp các khoản thuế, phí, thu khác, nếu có sai phạm còn phải chịu trách nhiệm chấp hành các hình thức phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả...
Do nhu cầu thị trường hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN chưa đủ điều kiện nhưng mong muốn được thông quan sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn của DN cần có giải pháp tháo gỡ. BLTQ chính là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan Hải quan yêu cầu đối với DN XNK khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Cơ chế BLTQ đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, BLTQ đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại XNK, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt như kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công.
Cơ chế BLTQ sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với các bên tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách, hội nhập kinh tế quốc tế, thưa ông?
- Cơ chế BLTQ sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Chính vì vậy, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp.
Đối với DN XNK, BLTQ sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh từ “nhanh”. Khi hàng hóa nhanh được đưa về bảo quản sẽ đảm bảo chất lượng hàng của DN, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu. Hàng hóa nhanh được thông quan sẽ nhanh được đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường thì nguồn vốn có thể thu hồi nhanh để đầu tư vào hoạt động liên tục, không bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm muộn.
Ở góc độ cơ quan Hải quan, BLTQ giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu (GATF) tại Hoa Kỳ thì BLTQ sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.
Tại Việt Nam, cơ chế BLTQ sẽ được triển khai theo lộ trình như thế nào?
Với sự hỗ trợ của GATF, việc nghiên cứu tính khả thi của cơ chế BLTQ đã được TCHQ cùng các bộ, ngành thực hiện thông qua việc khảo sát mô hình BLTQ tại Hoa Kỳ, kinh nghiệm của một số nước…
Để đảm bảo cơ sở pháp lý và tiến độ triển khai, sớm đưa việc áp dụng cơ chế BLTQ đối với hàng hóa XNK, TCHQ sẽ đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế BLTQ với hàng hóa XNK để trình Quốc hội xem xét thông qua; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành...
Để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Trước tiên sẽ triển khai thí điểm, sau giai đoạn này, sẽ triển khai đánh giá kết quả, tác động để triển khai mở rộng và tiến tới chính thức. Tuy nhiên, để có thể triển khai được cơ chế BLTQ đối với hàng hóa XNK cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản Luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.
TCHQ đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình này tại Hoa Kỳ và một số quốc gia của các chuyên gia đến từ GATF, góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về mô hình này tại Việt Nam để có thể sớm hoàn thiện và đưa cơ chế BLTQ vào triển khai trong thực tế.
Xin cảm ơn ông!