Đôi khi cả thế giới chỉ bé lại bằng một chiếc ôm
Theo anh Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm TP HCM, nhiều người phương Tây hay chào hỏi nhau bằng một cái ôm, thậm chí là nụ hôn lên má để thể hiện cảm xúc, tình yêu thương. Đối với họ, đó là điều rất bình thường. Nhưng đối với văn hóa Á Đông, cụ thể là ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn e ngại trong việc trao nhau cái ôm nơi đông người. Nhiều người nghĩ đó là chuyện riêng tư, tránh sự đụng chạm...
Tuy nhiên, không chỉ chốn đông người. Ở nhiều gia đình Việt, đứa trẻ lớn lên vì nhiều lý do, đã thiếu đi những cái ôm, những cái chạm yêu thương. Nhà văn Phong Việt chia sẻ: “Một đôi lần, bằng cách này hay cách khác, tôi cố lục lại trong ký ức của mình về cảm xúc của một cái ôm mà ba dành cho tôi hoặc tôi dành cho ba. Song dường như là… không có, hoặc nó đã diễn ra quá lâu để tôi có thể mường tượng được…
Cho đến trước khi trở thành ba của một đứa trẻ, tôi nghĩ mình thuộc týp người không thích bày biện cảm xúc ra trước mắt người khác. Có lẽ, những năm tháng ấu thơ lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực lớn nhất của những người thân là mỗi buổi sáng phải lao ra đường để tranh đấu với cuộc mưu sinh, thế nên thời gian dành cho những cảm xúc yêu thương hay chia sẻ có phần nào đó xa xỉ… Khi mà sự tồn tại mỗi ngày là quan trọng nhất, tất cả những giá trị tinh thần khác vô hình trung trở thành thứ yếu.
Nhưng, trong thâm tâm, tôi nghĩ điều khao khát nhất tôi muốn làm nếu có “gặp lại” ba, trong giấc mơ, tôi sẽ ôm chầm lấy ông. Có thể với những người sinh ra vào một thời cuộc khó khăn “bom rơi đạn lạc” như ba, việc thể hiện cảm xúc của mình với con cái là việc có thể làm người đàn ông cảm thấy mình yếu đuối trong mắt mọi người. Vậy nên họ muốn giấu nó đi, dần lâu ngày, một cái ôm cũng trở nên khó thực hiện dù trong lòng cánh tay có rộng mở đến bao nhiêu…
Đời sống của mỗi con người luôn có những giới hạn về cảm xúc do chính bản thân mình đặt ra. Không được rơi nước mắt, không được mềm lòng, không nên thế này, không nên thế kia… Nhưng với tình thân, tất cả những giới hạn này sẽ là một sai lầm, đặc biệt là với đấng sinh thành.
Nếu không đủ khả năng để diễn đạt hết điều mình muốn nói, muốn bày tỏ… Tôi mong là chúng ta hãy ôm lấy nhau một cái. Nhưng chỉ một cái ôm thôi cũng đủ khả năng để tạo nên một điểm tựa, cho yêu thương được kích hoạt trong lòng người, cho giận dỗi được vuốt ve dịu lại, cho lạnh lùng được cởi bỏ tấm áo khoác để lộ ra phần cần an ủi ở bên trong…
Những thống khổ của một con người phần lớn đều do chính bản thân mình tự tạo ra. Từ chối một cái ôm đầy yêu thương không khác gì ngăn bản thân mình tìm thấy niềm vui, trong một thế giới đầy rẫy những bất an…Ôm lấy một ai đó là một trong những ngôn ngữ dịu dàng nhất của con người, chúng ta không cần phải học. Chỉ cần chúng ta muốn bày tỏ, chúng ta sẽ sở hữu được nó”!...
Một phần vẻ đẹp của cái ôm nằm ở chính cử chỉ đó. Đôi khi tất cả những gì chúng ta cần là một cái ôm vào khi chúng ta chênh vênh, muốn gục ngã. Một cái ôm, dù của người xa lạ muốn sẻ chia, hay của những người thân yêu đều có sức mạnh kì diệu. Rằng bạn được yêu thương nhiều hơn thế. Bạn xứng đáng với những chiếc ôm… Bởi những cái ôm là thương yêu, là điều dịu dàng vô cùng. Cái cảm giác an toàn và ấm áp không gì có thể thay thế được. Khoảnh khắc đó, bạn có thể quên đi tất cả khi được ôm, được xoa dịu, được vỗ về. Tưởng như tất cả mọi tủi thân, buồn bã đều tan biến. Thậm chí, khoảnh khắc đó có sức mạnh cứu rỗi một con người đang cùng cực trong đơn độc. Khoảnh khắc ấy, có thể sẽ mãi mãi là điều kỳ diệu hồi phục những vỡ vụn trong lòng người trước đó…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được ôm ấp, vỗ về, hạnh phúc trong tuổi thơ đều cởi mở và ấm áp sau này. Theo chuyên gia trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ Virginia Satir (1916 - 1988), mỗi ngày con người cần 4 cái ôm để tồn tại, 8 cái ôm để duy trì sự sống và 12 cái ôm để phát triển. Những cái ôm có tác dụng chữa lành những tổn thương trong tâm hồn và nâng cao khả năng miễn dịch của con người. Những cái ôm giúp chúng ta cảm thấy mình được yêu thương, được che chở và mang chúng ta đến gần nhau hơn.
“Tất cả rồi sẽ ổn thôi”
|
Phạm Thiên Ân (áo cam) dang tay mời mọi người những cái ôm miễn phí trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM) . Ảnh internet |
“Ngày hôm nay của bạn thế nào?”, Ân ngẩng đầu lên nở nụ cười hỏi. Chàng trai bỗng nhiên bật khóc nói: “Hôm nay tôi rất tệ, tôi có thể ôm bạn lần nữa được không?”. Ân tiếp tụp ôm và đưa tay vỗ nhẹ vai người thanh niên đang xúc động.
Phạm Thiên Ân, chàng trai 24 tuổi, quê Long An, người khởi xướng hoạt động “Free hugs” (những cái ôm miễn phí) giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) thời gian qua. Ân chia sẻ, ở Việt Nam cũng có một số người từng làm “Free hugs”, nhưng chưa thật sự là một hoạt động an ủi. Anh muốn xây dựng theo chất riêng của mình và muốn nó mang nhiều giá trị hơn.
Cứ như thế, đúng 19 giờ tối, Ân xuất hiện giữa phố, đứng dang hai tay cùng tấm bảng dựng bên cạnh, ghi dòng chữ “Hãy đến ôm mình, nếu điều đó khiến bạn ổn hơn”. Ngoài ra, Thiên Ân còn chuẩn bị thêm những món quà nhỏ như: 99 thông điệp tích cực khác nhau, 99 bông hoa hay kẹo để tặng mọi người, chi phí tự cá nhân anh chi trả.
Một buổi tối tháng 7, cậu bé trai 12 tuổi, tay cầm chiếc thùng nhỏ, bên trong là dụng cụ để xiếc lửa. Cậu bước tới, ôm choàng lấy Ân và nói “cảm ơn anh đã cho em cảm giác như được ôm ngoại”. Đó là kỷ niệm khiến Ân mãi nhớ. “Vào một khoảnh khắc nào đó trong đời, bạn cần một cái ôm. Nó không chỉ là thông điệp giúp chúng ta hiểu mình không cô đơn, mà tạo ra nhiều giá trị tinh thần”, Ân nói.
Ân mong muốn lan tỏa “Free hugs” tới nhiều nơi ở Việt Nam. Anh sẽ kết hợp khai thác giá trị đời sống, cảnh quan, kèm theo đó là hoạt động Be With You (đến bên bạn).
“Ngày hôm nay của bạn thế nào” là câu hỏi mà Thiên Ân dành cho những người xa lạ, trong lúc cậu trao đi những cái ôm ấm áp. Có người buồn vì nhớ quê hương, có người mang áp lực công việc, có người lại gặp chuyện gia đình…
Ân có biệt danh là Cam. Cái tên đánh dấu cột mốc việc anh đã thay đổi suy nghĩ tích cực, mở lòng ra nhiều hơn vào thời điểm sống tại TP Đà Lạt. Anh cho biết: “Đối với tôi, màu cam là màu tràn đầy năng lượng. Tôi mặc áo cam khi xuất hiện với mọi người, trong các buổi đi chơi. Các bức ảnh tôi chụp cũng sẽ có chút màu cam. Điều đó tạo nên một màu sắc riêng cho bản thân tôi”.
Khi trao cái ôm cho người xa lạ, Ân đều dành thời gian hỏi thăm câu chuyện của mọi người, dành cho họ những lời động viên. “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”, Ân luôn tin là như thế. Thi thoảng, anh sẽ để một rổ hoa hồng ngay tại chỗ đứng của mình để tặng cho những người đến ôm. Ân mong rằng, nhành hoa sẽ thay cho lời an ủi, sự cổ vũ tinh thần cho người nhận…
Chiến dịch “Free Hugs” ở hình thức hiện tại được Juan Mann bắt đầu vào ngày 30 tháng 6 năm 2004, khi anh bắt đầu trao những cái ôm trong khu mua sắm Pitt Street Mall ở trung tâm Sydney.
Mann đã từng cảm thấy chán nản và cô đơn do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhờ vào cái ôm của người lạ đã tạo ra sự khác biệt to lớn. Mann chia sẻ rằng: “Tôi đã đi dự tiệc vào một đêm và một người hoàn toàn ngẫu nhiên tiến đến và ôm tôi. Tôi cảm thấy như một vị vua! Đó là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra”…
Chiến dịch Ngày ôm miễn phí trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vào năm 2006. Trong khi đó, Ngày ôm miễn phí đầu tiên được tổ chức vào năm 2007.
Ngày lễ này khuyến khích con người thể hiện tình cảm, sự cảm thông và sự khích lệ tinh thần người khác qua một cái ôm. Đây không chỉ là cách hiện tình cảm mà còn là hành động để bày tỏ sự biết ơn, sự cảm thông, chia sẻ để người khác thấy tốt hơn. Vì thế, bạn không cần cảm thấy xấu hổ khi trao cho ai đó một cái ôm thân mật trong ngày này.
Vào ngày 4/12, những cái ôm trìu mến được trao đi không chỉ với bạn bè, người thân mà còn với những người hoàn toàn xa lạ. Đó là một ngày mà mọi người trên toàn thế giới được nhắc nhở để dành cho nhau những cái ôm như một cách truyền tình yêu nhân văn và sự tích cực.
Trong thời đại xã hội mất kết nối và thiếu sự tiếp xúc giữa con người với nhau, hầu hết mọi người đều không chắc chắn về việc ôm những người ngẫu nhiên như thế nào? Thế nhưng, nhận được một cái ôm là một cảm giác tuyệt vời. Nó khiến bạn cảm thấy an toàn, ấm áp hơn. Dẫu đôi khi không có ai ở bên để ôm bạn khi bạn cần. Thì cách tốt nhất là hãy vòng tay ôm lấy mình và ôm thật chặt vào lòng. Bạn có thể nghĩ điều đó thật kỳ lạ, nhưng đó là cách để bạn yêu bản thân mình mà thôi…
Ở Việt Nam, sự kiện Hugging Day (ngày hội ôm tự do) đã phổ biến rộng rãi và trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay. Mỗi khi sự kiện được diễn ra đã thu hút hàng trăm các bạn trẻ tham gia và đã nhân rộng tinh thần chia sẻ yêu thương đến khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tuy nhiên, ngày này cũng nhắc nhở mỗi chúng ta, như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng nói, cuộc sống đã buồn phiền như thế, sao chúng ta không tha thiết với nhau hơn? Đã bao lâu, khi trở thành người lớn, chúng ta không còn ôm hôn cha mẹ, anh chị em, người thân, bạn bè của mình?... Những cái ôm, tựa những thẳm sâu yêu thương ấy, mỗi chúng ta chỉ cần thêm một bước, trước khi quá muộn. Khi thời gian và lần lượt những người thân sẽ để lại chúng ta ở đó. Những yêu thương ngọt ngào ngày thơ bé, sẽ mãi là ký ức không thể trở lại… Bởi thế, điều chúng ta cần trong thời AI là cảm xúc. Bất cứ khoảnh khắc nào, không cứ chỉ ôm khi “chung vui, chia buồn” - những cái chạm, những cái ôm và lời yêu thương, nếu muốn sẽ không bao giờ là quá muộn. Với một cái ôm, tất cả thật dịu dàng, dễ chịu và tha thiết, bởi “rồi sẽ ổn thôi”…