Nhận định trên được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?” do Báo Tiền Phong phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng 8/4. Đại tá Phạm Mạnh Thường - Phó Cục trưởng Cục Hình sự, Bộ Công an – cho biết, theo thống kê của ngành Công an, trong quý I/2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT.
Pháp luật thiếu chặt chẽ hay do thờ ơ, vô trách nhiệm?
Ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTB&XH tại TP HCM cho rằng, bạo lực học đường và dâm ô không phải là vấn đề mới nhưng gần đây đã nóng lên. “Phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ với thói hư tật xấu?”, ông đặt vấn đề và cho rằng chúng ta phải có quyết tâm chống bằng được các vấn nạn trên vì hiện nay là xã hội văn minh. Theo ông Thắng, muốn chống được các vấn đề trên, cần phải tăng cường công tác truyền thông.
“Bạo lực học đường trước đây chỉ dừng lại ở việc bắt nạt nhau, nhưng nay còn lột đồ, quay clip và không có người can ngăn. Chống việc này bằng cách đẩy mạnh các phong trào người tốt việc tốt, các phong trào hoạt động tốt đẹp của giới trẻ.
Muốn vậy, nhà trường, học sinh cần tăng cường gần gũi, chia sẻ, không có thù hằn lẫn nhau thì sẽ không có bạo lực”, ông Phạm Anh Thắng nhận định. Về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, ông cho rằng “đã đến lúc chúng ta phân biệt lại “sự cưng nựng” với “hành vi dâm ô”.
Thiếu tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An ninh Nhân dân, Bộ Công an – nhận định, thời gian gần đây, những hành vi bạo lực học đường hay xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Tuy nhiên, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.
Theo Thiếu tá Lâm, hiện nay, trẻ em đang thiếu sự trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục của trẻ. “Trẻ em là nhóm xã hội yếu thế, dường như không có khả năng chống cự khi bị xâm hại”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, các em còn có thể chịu sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn. Công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường.
Về vấn đề xâm hại trẻ em, theo Thiếu tá Lâm, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục còn có tư tưởng cổ hủ, e ngại khi cho rằng không nên nói những chuyện liên quan đến tình dục với trẻ em. “Trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa “yêu thương”, “nũng nịu” với dâm ô, xâm hại tình dục”, ông Lâm nói. Bên cạnh đó, sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa Nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu.
“Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm; và cũng có thể do Nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên “tội ác” đã không được đưa ra ánh sáng”, ông nhận định và dẫn chứng câu chuyện ở Quận 4, TP HCM vừa qua đã cho thấy, nếu Ban Quản lý chung cư không làm tốt và không có trách nhiệm khi phát hiện thì vụ việc có thể bị “ém” bởi đối tượng thực hiện hành vi đã tìm cách tiếp cận với gia đình nạn nhân để thỏa thuận.
Cần giáo dục cho học sinh kỹ năng sống
Tại tọa đàm với chủ đề: “Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc” được tổ chức vào chiều cùng ngày, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội – phân tích, việc nữ sinh lột quần áo bạn là cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Điều này cho thấy những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức.
“Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này. Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến kỹ năng mà chưa đề cập nhiều về giá trị sống. Tại sao một em lại bị đến 5 em đánh? Tại sao các em lại lột quần áo của bạn? Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, ông Nguyễn Tùng Lâm cảnh báo.
Để giải quyết thực trạng này, TS. Lâm đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần tập trung và làm đồng bộ nâng cao nhận thức về pháp luật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo về trẻ em, không những chú trọng đến nhà trường mà phải chú trọng đến gia đình và cả địa phương.
Thứ hai, gia đình phải có cam kết, nhận thức đúng về giáo dục con cái. Các tổ chức phụ nữ, chính quyền địa phương cũng phải có phương pháp, hướng dẫn để họ biết được cách giáo dục con cái, giành thời gian cho việc giáo dục con cái, giúp họ thấy được vai trò của mình.
Về phương diện nhà quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nội dung và phương pháp giáo dục phải làm sao cho có hiệu quả hơn, đến được với học sinh. Cách thức giáo dục phải làm sao cho học sinh có được giá trị sống, kỹ năng sống, biết yêu thương, khoan dung.
Cho rằng chúng ta đã có luật hoàn chỉnh xử lý về những vấn đề về bạo lực học đường, Đại tá Phạm Mạnh Thường nhận định, nếu để giải quyết vấn đề bạo lực học đường chỉ mỗi tuyên truyền là không đủ. “Theo tôi, cần có lắp camera các lớp học. Nhiều trường nếu không có kinh phí thì có thể xã hội hóa để lắp camera, vì nếu đều lắp camera sẽ chống được nhiều thứ”, ông đề xuất.