Bảo quản pháo trong… phòng làm việc
Đây là thực tế rất nguy hiểm ở một số Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh Lạng Sơn do chưa có kho vật chứng. Trong lúc tang vật tại các cơ quan THADS tỉnh chủ yếu là các loại pháo (pháo hoa giàn và pháo nổ), ma túy, tiền Việt Nam giả…, nhưng vì chưa có kho vật chứng nên một số Chi cục vẫn phải bảo quản hàng chục ki lô gam pháo nổ, pháo hoa các loại ngay các phòng làm việc. Điều này rất nguy hiểm nếu không may xảy ra cháy nổ, gây tâm lý lo lắng cho cán bộ, công chức khi làm việc.
Không những thế, do mới có một kho vật chứng của Cục THADS tỉnh, còn 11/11 Chi cục chưa có kho vật chứng, đành phải tận dụng phòng làm việc, gầm cầu thang, thuê kho ngoài… để cất giữ, địa điểm thuê kho gửi. Việc chưa có kho như vậy không đảm bảo được yêu cầu quản lý vật chứng. Ngoài việc mất an toàn cháy nổ, vật chứng dễ mất mát, hư hỏng, thất lạc, không thuận lợi cho công tác thi hành án.
Tương tự, đại diện Cục THADS tỉnh Khánh Hòa cho biết, kho vật chứng của Cục đang trong quá trình xây dựng. Số vật chứng, các tang, tài vật khi tiếp nhận từ các cơ quan chuyển giao phải làm thủ tục ký gửi bên ngoài như gửi kho của cơ quan Công an, Tòa án. Ở các Chi cục, một số kho vật chứng tuy đã được xây dựng song đã quá tải, vẫn phải tốn kém tiền thuê bảo quản, dẫn đến vật chứng xuống cấp hoặc hư hỏng không còn giá trị sử dụng.
Bên cạnh bất cập trong thiếu kho vật chứng, việc chuyển giao, tiếp nhận và xử lý vật chứng cũng gặp không ít vướng mắc. Chẳng hạn, tại Cục THADS TP HCM, từ khâu xử lý vật chứng mà tính đến tháng 3/2016, có tới hơn 200 việc chưa thi hành được dù Cục đã hết sức tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan.
Chủ động tìm giải pháp khắc phục
Trước thực trạng trên, Cục THADS TP HCM đã xây dựng Kế hoạch xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng. Thực hiện Kế hoạch này, Cục trưởng Cục THADS ban hành quyết định thành lập Tổ giải quyết vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng. Tổ có nhiệm vụ rà soát các bản án, quyết định có xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, đối chiếu danh sách với Tòa án, Công an, Viện kiểm sát, cơ quan khác và đốc thúc việc chuyển giao vật chứng, tài sản; cùng với thủ kho kho tang vật, kế toán đôn đốc chấp hành viên làm thủ tục xử lý ngay khi vật chứng, tài sản được chuyển giao…
Tuy nhiên về lâu dài, Cục kiến nghị luật hóa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong xử lý tang vật; cho phép sung công quỹ nhà nước đối với những vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng lâu năm mà không có bản án, quyết định.
Đại diện các Cục THADS đều đề xuất Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS quan tâm cấp kinh phí đầu tư xây dựng Kho vật chứng cho các cơ quan THADS, tạo điều kiện cho việc chứa tang vật, tài sản thi hành án, nhất là những tài sản cồng kềnh, khó bảo quản. Riêng Cục THADS tỉnh Lạng Sơn còn đề nghị Bộ, Tổng cục có hướng dẫn cụ thể về tiêu hủy vật chứng là ma túy, pháo nổ, pháo hoa đảm bảo an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường bởi ở Lạng Sơn đã xảy ra vụ cháy khu bãi rác khi tiêu hủy pháo hoa bằng hình thức đốt cháy.
Thấu hiểu khó khăn của các địa phương, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 (Tổng cục THADS) Nguyễn Văn Tuấn lý giải nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu kho vật chứng là điều kiện quỹ đất hạn chế, kinh phí đầu tư lớn…
Vì vậy, trong năm 2016, Tổng cục sẽ xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng. Về giải pháp căn cơ, sẽ nghiên cứu hoàn thiện pháp luật theo hướng bổ sung trách nhiệm của TANDTC, VKSNDTC trong xử lý các vấn đề liên quan đến vật chứng khi điều tra, truy tố, xét xử và phối hợp thi hành án; công nhận các kết quả giám định do cơ quan THADS phối hợp với cơ quan, tổ chức có đủ chức năng giám định và làm cơ sở xử lý vật chứng…