Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Trong đêm nay và ngày mai - 8/9, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn hứng chịu các trận mưa lớn do bão số 3. Nam Định, Thái Bình, Hải Dương có thể ngập lụt nặng nề... Thống kê sơ bộ, bão đã khiến 4 người tử vong, 6 người mất tích, 78 người bị thương và thiệt hại không nhỏ về tài sản.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích

23h ngày 7/9, ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, 22h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 vẫn trên đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Trong 24 giờ qua, do tác động của bão số 3, tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội đã có mưa rất to, với tổng lượng mưa đo được từ 150-250mm có nơi trên 300mm. Hiện khu vực Hà Nội đã lặng gió, tuy nhiên, mưa vẫn kéo dài.

Cụ thể, theo ông Phùng Tiến Dũng, trong đêm nay và ngày mai, các tỉnh Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội và Thanh Hóa, tiếp tục có mưa to đến rất to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Từ nay đến 9/9, sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long sẽ xảy ra đợt lũ với báo động lũ là báo động (BĐ)1-BĐ2, trên sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã có khả năng xảy ra đợt lũ ở mức BĐ1.

Do mưa lớn trong thời gian tiếp theo, nguy cơ ngập lụt ở thành phố, khu đô thị và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và TP Hà Nội.

20h ngày 7/9, vị trí tâm bão trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12... Sức gió mạnh nhất cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Thống kê sơ bộ, bão đã khiến 4 người tử vong, 6 người mất tích, 78 người bị thương.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến 17h cùng ngày, bão số 3 đã làm 3 người chết ở Quảng Ninh, 1 người chết ở Hải Dương và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người). Nhiều nhà ở hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bão cũng làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải đứt neo trôi dạt. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.

Tại Quảng Ninh, phóng viên Đức Dương dẫn tin sơ bộ từ Công an tỉnh, tính đến 17h ngày 7/9, bão số 3 đã khiến 3 người tử vong, 58 người bị thương, 6 người mất tích trên địa bàn.

Cụ thể, 14h30 ngày 7/9, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên vụng Bồ Nâu (vịnh Hạ Long), tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển. Lúc này trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong, đã đưa được thi thể lên bờ; 6 người còn lại đang mất liên lạc; tại TP Hạ Long 1 người tử vong do mái tôn sập; tại TP Cẩm Phả 1 người tử vong khi chằng néo mái nhà.

Bão số 3 còn làm 1 tàu du lịch bị đắm khi neo đậu tại âu tàu; 1 cần cầu nặng 300 tấn đổ vào phân xưởng của Công ty Đóng tàu, làm gãy đôi nhà phân xưởng. Tại huyện Cô Tô, 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng (gồm 12 tàu vỏ xi măng, 1 tàu vỏ gỗ), thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh còn có hàng trăm nhà dân bị tốc mái, bật vỡ kính, hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị gãy, đổ.

Cơn bão càn quét qua Hải Phòng cũng làm nhiều cây to bật gốc gãy đổ, các biển quảng cáo, mái tôn nhà dân bị gió thổi bay. Một cần cẩu đang thi công tại một dự án trên đường Hồng Bàng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, bị gãy đổ.

Các cơ quan chức năng TP đang khẩn trương xử lý cây bị đổ ngã ngang đường để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tùng Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trước 20h ngày 7/9, trừ các cơ quan chức năng đi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra TP Hải Phòng đang chỉ đạo thực hiện việc tiêu thoát nước đệm, đề phòng ngập úng và khẩn trương thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn tại các khu vực dân cư, các công trường xây dựng, kho tàng, bến cảng, khu khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản…

Tại quận Đồ Sơn, mưa như trút nước, gió giật tới cấp 12-13. Ngoài đường, do mưa lớn cộng gió to, hàng chục cây phượng già gãy đổ chắn kín đường đi. Tại một khách sạn ở khu bãi 1 quận Đồ Sơn, một bức tường ở tầng 6 bị gió bão phá vỡ, kính rơi loảng xoảng khi cánh cửa dập liên tục. Mái tôn rung dồn dập. Hầu như không ai dám ra đường thời điểm này.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 1


Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 2


Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 3


Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 4


Tối 7/9, các cơ quan chức năng quận Đồ Sơn vẫn khẩn trương tiếp tục hỗ trợ người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Lực lượng chức năng lội nước, "đội" mưa bão đưa người dân ở Đồ Sơn đến nơi tránh trú an toàn.

Tại Hà Nội, gió bão đã làm nhiều cây xanh bật gốc, gãy cành; bật tung không ít mái tôn.

Để phòng chống bão số 3, ngành Y tế Hà Nội đã lên phương án tạm thời cho trạm y tế vùng trũng. Theo đó, tại BVĐK huyện Mỹ Đức, bệnh viện đã xây dựng các phương án triển khai ứng phó với bão số 3, phân công lịch trực theo 3 cấp để chỉ đạo, đáp ứng công tác khám chữa bệnh, thường trực 24/24 giờ, kịp thời cấp cứu người bệnh tại bệnh viện và sẵn sàng cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu. Chuẩn bị phương án khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, BV đã kiểm tra, gia cố cửa sổ, cửa kính, mái tôn, khu vực nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và cán bộ nhân viên; cắt tỉa cây xanh.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 5

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 6

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 7

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 8

Công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cấp phát suất ăn cho người dân lưu trú tại trường học.

Tại huyện Chương Mỹ, Giám đốc TTYT huyện Chương Mỹ, Dương Mạnh Hùng thông tin, Trung tâm đã phân công các kíp trực, 4 đội trực cấp cứu cơ động thường trực tại Trung tâm 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện cấp cứu đáp ứng khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ phối hợp với BVĐK huyện sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu.

Qua kiểm tra, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan lơ là, cần chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu người bệnh; đảm bảo vật tư hóa chất khử khuẩn, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các điểm ngập úng khi nước rút.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 9

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 10

Tại Quảng Ninh, thống kê đến tối 7/9, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Cụ thể, một người dân tại khu Chung cư Ramada (TP Hạ Long) bị thương do cửa kính vỡ văng vào người.

Tính đến thời điểm hiện nay, tâm bão đã đi qua TP Hạ Long, Quảng Ninh nhưng hậu quả cơn bão đi qua đã để lại cho Quảng Ninh rất nặng nề. Trụ sở Công an huyện Cô Tô cũng bị sập mái, sóng điện thoại kém và internet kết nối bị gián đoạn TP Hạ Long, Móng Cái cùng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này vẫn đang mất điện, mất nước chưa được khắc phục.

Ngoài ra, bão số 3 còn khiến nhiều xe ô tô trên các tuyến đường bị móp méo, bung vỡ thân vỏ; hàng loạt cây trên các tuyến phố bị gãy đổ rất; mái tôn, biển quảng cáo của nhà dân và các cửa hàng bị tốc mái. Nhiều cột điện cũng đã bị gãy đổ.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng vận hành 8 nhà máy nhiệt điện 3.000MW trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh.

Lúc 16h ngày 7/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.

Đến thời điểm này, TP Hải Phòng đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu về cơn bão số 3 gây ra. Theo đó, nhiều cây xanh gẫy đổ, nhiều biển quảng cáo bị gió bão giật đổ, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn khá nguy hiểm.

Tại cuộc họp với Bộ Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 đặt tại Hải Phòng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, tính đến 15h ngày 7/9, số lượng người bị thương tại hải Phòng do cơn bão số 3 gây ra đã lên tới 20 người.

Hiện nay, gần như toàn thành phố đang trong tình trạng mất điện và thông tin liên lạc bị ảnh hưởng; vẫn có tình trạng người dân ra đường bất chấp lệnh cấm.

Trước đó, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động trên 438.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn phương tiện, vật tư hỗ trợ cho người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi tránh trú an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát rất kỹ các tuyến đê, kè, hồ, đập, khu vực xung yếu để chủ động ứng phó với các sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị cho công tác khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau bão.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 11

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng

15h hôm nay, tâm bão số 3 trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng, với sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118 -149 km/h), giật cấp 16. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Tại TP Hải Phòng, mưa xối xả, giọt xiên theo hướng gió. Phóng viên Đức Dương cho biết, mưa và gió mạnh nhất vào khoảng hơn 13h hôm nay. Trên địa bàn quận Kiến An đã xảy ra ngập lụt cục bộ. Toàn địa bàn mất điện, mất internet, điện thoại di động kết nối gián đoạn do ảnh hưởng bão.

TP Hải Phòng có nhiều cây xanh, biển quảng cáo bị gió hất đổ. Nhiều nhà dân tốc mái tôn. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trước 20h ngày 7/9 để đảm bảo an toàn.

Theo ông Đào Minh Đông - Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ, từ sáng sớm nay cho đến thời điểm hiện nay, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Bạch Long Vĩ, mức gió cao nhất cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, biển động dữ dội.

Do hoàn lưu của bão rất rộng, sức gió có lực tác động rất mạnh đến huyện đảo Bạch Long Vĩ làm ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện trong âu cảng, nhà cửa, cây cối hoa màu của các cơ quan đơn vị và nhân dân trên địa bàn huyện .

Trước diễn biến hết sức phức tạp của cơn bão số 3, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã triển khai khẩn trương trong việc kêu gọi tàu thuyền về lại đất liền để tránh bão. Những phương tiện không thể trở về đất liền, huyện cũng đã cho về âu cảng neo cột an toàn. Đối với một số phương tiện nhỏ trên bờ, lực lượng phòng chống bão đã dùng cẩu để đưa về nơi tránh trú bão an toàn để tránh bão đi qua.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ đã di dời toàn bộ ngư dân trên các phương tiện tàu thuyền lên trên đảo, đồng thời triển khai chằng chéo nhà cửa cho các cơ quan đơn vị và nhân dân và tập trung tổ chức di dời cho một bộ phận các hộ dân ở nơi xung yếu về nơi tránh, chống bão an toàn.

Để kịp thời ứng phó với những diễn biến khó lường của cơn bão số 3, huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng thành lập các Sở chỉ huy tại các khu vực xung yếu để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ dân phòng, chống bão suốt đêm 6/8 đến nay.

Đến thời điểm này, trên huyện Bạch Long Vĩ, quân và dân vẫn được đảm bảo an toàn. Bước đầu đã ghi nhận một số cây cối trên đảo bị gãy đổ, một số công trình bị tốc mái, dù đã được gia cố kỹ trước khi cơn bão số 3 di chuyển vào huyện đảo.

TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Clip: Thiên Trang

Tại Hà Nội, từ 15h40, gió đột ngột tăng cấp, giật mạnh. Mưa lớn hơn, nước mưa xiên ào ào theo gió. Phần lớn nhà dân đã đóng cửa tránh bão.

Thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024, sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của Sở Y tế phân công thành viên ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão trực tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo. Các Bệnh viện tuyến Trung ương khẩn trương ra quyết định thành lập các tổ (Đội) cấp cứu lưu động để hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp; chuẩn bị phương tiện, vật tư, sẵn sàng lên đường ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tại Hà Nội, mưa dồn dập kèm gió mạnh. Mưa không ngừng diện rộng trên địa bàn Thủ từ khoảng 7h hôm nay, 10h30 trở đi gió giật nhiều hơn. Mưa gây úng nước nhẹ một số điểm.

12h30, Phóng viên Mỵ Châu ghi nhận, mưa gió liên hồi khiến nhiều cây xanh ngã đổ trên đường, một số cây đổ vào dây diện, bốt điện bên hè phố. Có cây đổ gần như chắn hết lòng đường. Chỉ riêng đường Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) đã có 5 cây đổ.

Lực lượng chức năng của Hà Nội vẫn thường trực thu dọn chướng ngại vật, khơi thông cống rãnh, hướng dẫn phương tiện lưu thông, cảnh báo khu vực nguy hiểm...

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 12

Cây đổ trên đường Tân Mai.

Cảnh bên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, trưa 7/9. Clip: Mỵ Châu.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 13

Người dân Hà Nội chủ động phát cành cây, để hạn chế thiệt hại khi gió bão mạnh hơn.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 14

Cây đổ trên địa bàn phường Phúc Đồng, quận Long Biên.

Phần lớn người dân "cố thủ" trong nhà. Các hộ dân trong những căn nhà mái cấp IV ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, cảm nhận rõ tiếng mưa rơi, gió đập. Một phụ nữ ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, chia sẻ: "Khu nhà tôi không trong quy hoạch nhưng chưa được làm "sổ đỏ", chưa được xây dựng kiên cố, nhà cấp IV tồn tại hơn 10 năm rồi, ngày càng xuống cấp. Mưa bão thế này, ở trong nhà cũng không cảm thấy an toàn, nơm nớp lo gió giật mạnh bật mái tôn, đổ bồn chứa nước từ trên cao xuống, nguy hiểm tính mạng".

Trước đó, phóng viên Ngọc Nga và Hồng Quân phản ánh, sáng cuối tuần, nhiều gia đình dậy muộn, đường phố khá vắng vì ít phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy. Chợ nội thành vẫn mở bán, giá các mặt hàng được cho là "nhích" hơn so với bình thường.

Chị Ngọc Trâm (trú phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, chị đi chợ khá sớm và mua được đầy đủ thực phẩm tươi sống như dự định. "Chợ ít người bán, ít hàng và cũng ít người mua hơn do mưa bão, tuy nhiên vẫn đầy đủ cá thịt, rau xanh, hoa quả. Tôi mua ăn trong 2 ngày thôi, không dự trữ lâu", chị Trâm nói.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 15


Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 16


Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 17

Mưa nặng hạt dần và gió mạnh dần ở Thủ đô Hà Nội.

Tại Quảng Ninh, phóng viên Công Hoan phản ánh, khu vực thị xã Quảng Yên có gió cấp 8, cấp 9; huyện đảo Cô Tô mưa trắng trời, gió giật mạnh lên đến cấp 11-12. Các lực lượng đang bổ sung bao cát đề phòng nước triều dâng.

Trên địa bàn huyện Hải Hà, gió và mưa to đã làm tốc mái tôn khoảng 40 nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học. Hiện nay các xã, thị trấn thuộc huyện đang bị mất điện; 10 điểm dây điện bị cây đè vào làm đứt dây. Khoảng 100 cây xanh trên Quốc lộ 18A, các tuyến đường xã, thị trấn bị gãy đổ. Cơ quan điện lực huyện, công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hà đang tích cực xử lý sự cố.

Uông Bí có gió giật cấp 8, cấp 9, khiến 1 cột điện gãy đổ tại phường Thanh Sơn; 82 cây xanh đô thị bị gẫy, bật gốc; 2 công trình phụ bị tốc mái.

Gió bão làm gãy đổ nhiều cây xanh, mái tôn, bảng hiệu... trên đường TP Móng Cái và các địa phương khác.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoàn làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu, hồ Yên Lập và họp tại UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác chống bão.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 18

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thị sát tình hình bão tại tại hồ Yên Lập, Quảng Ninh.

Phóng viên Hiền Vũ đưa tin, thành phố Móng Cái đã thông báo tạm dừng các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn, tập trung ứng phó với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân. Theo đó, cửa khẩu Đông Hưng bao gồm khu vực cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2, và cặp chợ biên giới Đông Hưng qua lối mở Km3+4 Hải Yên qua cầu phao tạm tạm dừng hoạt động thông quan.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 19

Cửa khẩu Bắc Luân 2 dừng hoạt động thông quan hàng hóa.

Trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, lượng nước trữ tại hồ Yên Lập ở mức 87%. Đây là hồ thủy lợi có dung tích 127 triệu m3, hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTN - TKCN & PTDS tỉnh Quảng Ninh: Đến thời điểm hiện nay các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt từ 85 – 87% công suất thiết kế, để ứng phó với tình hình mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa đã được xả lũ từ 4 ngày trước, cố gắng đưa mực nước các hồ xuống mức trung bình khoảng 80%, đảm bảo mực nước để chống hạn cho mùa khô. Hiện tại Hồ Yên Lập đang cho xả là 60 khối/ giây, tùy theo diễn biến của tình hình thời tiết, tình huống mưa để điều tiết tại chỗ, do đây là hồ có cửa van nên điều tiết rất thuận lợi.

Ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng sớm nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có gió và mưa, gió cấp 7-9 trên đất liền, tại các đảo là cấp 9-10.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 20

Bão tiến sát Cô Tô (Quảng Ninh), gây gió mạnh và mưa lớn

Tại Hải Phòng, 12h30, phóng viên Hải Anh ghi nhận, tại đường Võ Nguyên Giáp, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, gió bão khiến không ít người di chuyển bằng xe máy loạng choạng rồi đổ xe, ngã xuống. Mọi người đành bỏ xe, chạy lên vỉa hè tìm nơi trú ẩn.

Cảnh ghi tại đường Võ Nguyên Giáp, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng

Rất nhiều cây lớn bị gió bão quật đổ bên đường phố Hải Phòng:

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 21

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 22

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 23

Từ 10h cùng ngày, người dân đã cảm nhận rõ sự tác động của bão số 3, gió mạnh lên nhiều, cây cối nghiêng ngả. Trên các tuyến phố tại quận Lê Chân, quận Ngô Quyền, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo, nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ. Chính quyền địa phương các cơ quan đang tập trung khắc phục.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 24

Cây đổ trên hè phố Hải Phòng sáng 7/9.

Phóng viên Thùy Linh dẫn thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, trên địa bàn huyện đang mưa rất to, gió mạnh cấp 14, giật cấp 15. Hiện có 101 phương tiện cùng 128 lao động vào tránh trú bão trên địa bàn.

Cảnh Khu Thanh niên Xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ sáng 7/9.

Ảnh hưởng bão trên đảo Bạch Long Vĩ lúc 8h30 ngày 7/9. Clip: Trạm Khí tượng Hải Văn Bạch Long Vĩ

Huyện Bạch Long Vỹ đảm bảo an ninh an toàn cho ngư dân khi lên tàu tránh bão; chỉ đạo và hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời, thành lập 2 sở chỉ huy tại trụ sở UBND huyện và tại đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ sẵn sàng các phương án ứng phó khi các sự cố xảy ra.

Phóng viên Hải Anh phản ánh, mưa liên tiếp theo đợt, lượng mưa không quá lớn từ sáng sớm tại Hải Phòng nhưng từ khoảng 8h trở đi, gió giật mạnh hơn. Một số cây xanh bị gió kéo đổ.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 25

Cây xanh đổ trong gió tại đường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Người dân Hải Phòng đã hạn chế ra đường. Hầu hết các chợ dân sinh tạm dừng hoạt động, chỉ còn một số hàng thực phẩm tươi sống bày bán trên vỉa hè. Quá trình mua - bán diễn ra khá nhanh, người bán - người mua đều cố gắng nhanh được về nhà tránh bão.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 26

Một số hàng thực phẩm tươi sống phục vụ người dân bên lề đường ở TP Hải Phòng.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 27

9h ngày 7/9, đường Hàng Kênh, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) vắng lặng do bão.

Dân cư khu vực nguy hiểm do mưa bão đã được di dời đến các điểm an toàn của thành phố Tàu thuyền được neo đậu chắc chắn.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 28

Sẽ tạm dừng lưu thông qua cầu Bính trong thời điểm bão.

Lực lượng chức năng đã có mặt tại cầu Bính (huyện Thuỷ Nguyên) để tạm dừng các phương tiện giao thông qua cầu vào thời điểm bão.

Tại Thái Bình, phóng viên Quốc Khải đưa tin, sáng 7/9, đoàn công tác do ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh dẫn đầu đi kiểm tra công tác ứng trực, chủ động ứng phó bão tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh và đoạn đê số 6 qua xã Đông Minh (huyện Tiền Hải) và một số điểm tại huyện Thái Thuỵ.

Người dân xã Thái Học, huyện Thái Thụy, phản ánh, gió mạnh từ khoảng 10h trở đi. Mưa chưa lớn nhưng gió giật liên tục khiến cây cối trong vườn nhà dân nghiêng ngả. Nhiều cây rụng lá, gẫy cành, bật gốc; một số vật dụng lao động gia đình bị gió cuốn ngổn ngang trên sân và bay ra đường làng.

Tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, gió giật mạnh làm đổ một số cây to, làm gẫy nhiều cành cây.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 29

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 30

Cây đổ, cành gẫy tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư

Tại Nam Định, phóng viên Thiên Kim ghi nhận ban đầu, bão số 3 đã làm đổ cây tại một số khu vực ở TP Nam Định. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục, cắt dọn những cây bị đổ nhằm phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông luôn thông suốt.

Thượng tá Nguyễn Nam Trung, Trưởng Công an TP Nam Định đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ Công an thành phố phối hợp với Công an các phường, xã kịp thời khắc phục hậu quả cây đổ, gãy. Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã trực tiếp đến hiện trường, động viên lực lượng Công an TP Nam Định đã kịp thời phát hiện cây gãy đổ, kịp thời xử lý, giải tỏa, đảm bảo ATGT.

Tại xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, gió bão khiến cánh cửa đập gãy chân một cháu bé, lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện Trực Ninh đã kịp thời hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện an toàn.

Các huyện ven biển có nhiều cây cối đổ do ảnh hưởng của bão, một trụ điện đổ xuống ruộng lúa tại Giao Thuỷ. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dân tới nơi an toàn.

Tại Thanh Hóa mưa to, gió lớn làm tốc mái nhà dân và nhiều cây xanh bật gốc. Cụ thể, huyện Mường Lát, trong đêm 6/9 rạng sáng 7/9, mưa to và rất to khiến cây cối đổ ngã, gây cản trở giao thông. Mưa lớn cùng với gió lốc đã khiến 2 hộ dân ở bản Pù Ngùa và Pù Quăn, xã Pù Nhi bị tốc nóc nhà. Trước đó, trận lốc vào khoảng 16h ngày 6/9 cũng khiến 2 nhà dân trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước bị hư hỏng, tốc mái. Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện đã tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và sơ tán hộ dân đến nơi ở an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 12h ngày 6/9 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão; đồng thời yêu cầu giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển. Nhiều khách sạn, nhà hàng ven biển đóng cửa, các tuyến phố du lịch biển ở Thanh Hóa không bóng người trước giờ bão số 3 đổ bộ. Cảng hàng không Thọ Xuân thông báo ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12-22h ngày 7/9.

Tại Hòa Bình, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 13h ngày 7/9, lực lượng chức năng đã di dời hơn 400 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao.

Trong đó, tại thành phố Hòa Bình đã thực hiện di dời hơn 120 hộ về nơi an toàn; gồm 51 hộ, 171 nhân khẩu tại Làng Vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang; 10 hộ với 11 nhân khẩu sinh sống tại các lán trại đê Ngòi Dong, thuộc phường Thịnh Lang đến Nhà văn hóa phường Thịnh Lang và một số gia đình họ hàng; Di dời khẩn cấp 60 hộ dân với 160 nhân khẩu đang sinh sống tại 2 dãy nhà A8, A9, phường Tân Thịnh đến nhà văn hóa tổ 1 và tổ 3, phường Tân Thịnh. Lực lượng chức năng cũng đã sơ tán một số hộ dân có nguy cơ ngập úng tại phường Quỳnh Lâm về nơi an toàn.

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 31

Lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đang hỗ trợ di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập úng đến nơi an toàn. Ảnh: P.V

Tại huyện Lạc Sơn, đã di dời 124 hộ tại các xã Mỹ Thành, Ân Nghĩa; Văn Nghĩa; Miền Đồi. Huyện Cao Phong di dời 12 hộ về khu vực an toàn. Huyện Lương Sơn di dời 43 hộ về khu vực an toàn. Huyện Tân Lạc di dời 24 hộ và 53 lồng cá về nơi an toàn. Huyện Yên Thủy đã thực hiện sơ tán 60 hộ dân trên địa bàn các xã Yên Trị (4 hộ dân), Ngọc Lương (30 hộ dân), Đa Phúc (26 hộ dân) về khu vực an toàn.

Tại Thái Nguyên, sáng 7/9, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên.

Đoàn công tác kiểm tra hoạt động vận hành xả lũ hồ Núi Cốc; công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua tràn Đá Mài, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên); đập Líp, phường Châu Sơn (TP Sông Công); tuyến đê Chã, vùng bị ngập xóm Soi Cốc và việc sẵn sàng tiêu úng của trạm bơm tiêu Cống Táo (TP Phổ Yên).

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 32

Đoàn công tác kiểm tra công trình hồ Núi Cốc

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Huy Dũng yêu cầu các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ và đưa ra từng kịch bản để ứng phó với bão, nhất là việc rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống…

Bão quần thảo đồng bằng Bắc Bộ, 4 người tử vong, 6 người mất tích ảnh 33

Tràn xả lũ hồ Núi Cốc được điều tiết xả nước 150m3/s.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1.000 điểm sạt lở, tăng trên 200 điểm so với trước đây. Chính quyền địa phương và người dân cần đặc biệt lưu ý các vị trí đã sạt lở, ngập úng trong các đợt mưa trước như sạt lở tại Đèo So (Định Hoá), sạt lở bờ sông Cầu (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình), sạt lở bờ sông Trung Năng (xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên), sạt lở các bờ sông, suối nhỏ, đường giao thông ven suối....

Theo dự báo của chuyên gia khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa tăng dần ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó cao điểm mưa xảy ra vào trưa và tối 7/9. Đối với các tỉnh sâu trong đất liền mưa sẽ bắt đầu muộn hơn và kéo dài. Lượng mưa đối với khu vực phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-350mm, trong đó sáng và trưa nay nhiều nơi có thể lượng mưa 100-150mm.

Trên biển, theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-4,0m.

Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá) đến 2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9. Ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 7/9.

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo, người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 03 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.

Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.

Đọc thêm