Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sáng nay, 12/11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, có nhiều kịch bản di chuyển của cơn bão số 13.
Trong đó, có kịch bản bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ đêm 13/11. Gió mạnh nhất trên biển cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ giảm 2-3 cấp. Từ đêm 13-15/11, Quảng Bình đến Phú Yên có mưa lớn, lượng mưa phổ biến khoảng 100-250mm, riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ 250-350mm. Ngày 13-15/11, trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định xuất hiện đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị, Huế, Quảng Nam ở mức BĐ2-BĐ3, có sông lên trên BĐ3; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định lên mức BĐ2 và trên BĐ2; các sông chính ở Nghệ An ở dưới BĐ1.
Kịch bản 2 là bão đi lên phía bắc suy yếu và di chuyển vào Bắc Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ ngày 14/11. Gió mạnh nhất trên biển cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ cấp 7-8. Ngày 14-16/11, Bắc và Trung Trung Bộ, Bắc Bộ (mưa lan dần lên các tỉnh Bắc Bộ) có mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Kịch bản 3, hiện nay có một số mô hình khi đi đến vĩ tuyến 111, 112 thì có thể đâm thẳng vào khu vực Trung Trung Bộ, khoảng Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Kịch bản này khả năng không xảy ra nhiều, nhưng nếu xảy ra thì lượng mưa giống kịch bản 1. Với kịch bản này, mưa dẽ dồn dập và khả năng trong vòng 6 tiếng có thể đạt 100-150mm. Mưa đến sớm và tan nhanh hơn so với với kịch bản 1 và 2.
Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão số 13 có hướng đi dị thường như cơn bão Hải Yến gây thiệt hại lớn vào năm 2013, vì vậy phải có chiến lược ứng phó cho đúng, không thể chủ quan về mặt dự báo, ứng phó, phạm vi ảnh hưởng.
"Kiên quyết trong thời gian của bão không để tàu thuyền hoạt động, chú ý cả thuyền nhỏ ven bờ, lồng bè, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Chú ý đề phòng đê biển, các điểm sạt lở chạy dài toàn tuyến miền Trung có thể gây nguy hiểm. Cần quan tâm đến các hồ chứa từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên", Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng bám sát dự báo, liên tục cập nhật để có chỉ đạo ứng phó bão, chống tư tưởng mỏi mệt…
Tính đến 6h hôm nay, 12/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người. Hiện còn 4 tàu/ 47 lao động trong khu vực nguy hiểm đang di chuyển vòng tránh.
Tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận là 1.227 km; có 64 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 134km; 34 công trình đê, kè đang thi công với tổng chiều dài 48,72km. Các địa phương tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, triển khai phương án gia cố, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công và các sự cố đã xảy ra để ứng phó với bão.