Bão số 3 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 9 tháng đầu năm, kinh tế Hải Dương tiếp tục có những điểm sáng tích cực trong sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; làm giảm sản lượng sản xuất công nghiệp; thiệt hại hạ tầng lưới điện gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ và đời sống nhân dân.
Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất Nông nghiệp của tỉnh Hải Dương
Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất Nông nghiệp của tỉnh Hải Dương

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hải Dương, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm của tỉnh Hải Dương ước đạt 9,31%. Trong đó, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt trên 9,81%; tuy nhiên quý III chỉ đạt 8,32%. Với mức tăng 9,31%, tăng trưởng của Hải Dương đứng thứ 11/63 cả nước và thứ 4/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nguyên nhân làm tăng trưởng của tỉnh sụt giảm trong quý III chủ yếu do cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành, lĩnh vực.

Ước tính suy giảm sản xuất do mưa bão làm tăng trưởng của Hải Dương giảm 1,7 điểm% trong quý III; làm giảm 0,5 điểm% tăng trưởng cả năm.

Cụ thể, mưa bão đã làm hoạt động sản xuất Nông, lâm, thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trong quý III mà còn tiếp tục làm suy giảm sản lượng trong cả quý IV và sản xuất vụ đông năm 2025.

Về trồng trọt, rau màu vụ mùa (trừ lúa) có nhiều diện tích đã thu hoạch trước bão nên thiệt hại không nghiêm trọng. Tuy diện tích lúa mùa và cây lâu năm bị thiệt hại đáng kể sẽ ảnh hưởng khá lớn đến năng suất, sản lượng trong quý IV.

Hoạt động chăn nuôi chịu ảnh hưởng ít hơn, thiệt hại chủ yếu do sập, đổ chuồng trại khi bão đổ bộ; số chết chiếm 0,8% đàn số gia súc, 5,4% tổng đàn gia cầm. Nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng lớn; thiệt hại chủ yếu ở phương thức nuôi lồng, bè (chiếm gần 1/3 sản lượng thủy sản) do tràn, vỡ, trôi lồng, thay đổi môi trường nước nên buộc phải “bán tháo”… làm suy giảm sản lượng trong quý III và quý IV.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương quý III ước tăng 10,72%; nguyên nhân do mưa bão và lũ từ thượng nguồn ảnh hưởng khá lớn, ước tính làm giảm tăng trưởng công nghiệp quý III xuống 2,2 điểm%.

Cụ thể, mưa, bão làm một số nhà xưởng bị tốc mái, hạ tầng lưới điện hư hỏng nên mất điện ở một số khu, cụm công nghiệp… làm cho sản xuất bị gián đoạn, doanh thu sản xuất công nghiệp trong quý III giảm khoảng 960 tỷ; làm giảm tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp quý III khoảng 0,8 điểm%.

Mưa, bão cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất điện

Mưa, bão cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất điện

Mưa, bão đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất điện; trong đó, ảnh hưởng trực tiếp làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện; ảnh hưởng gián tiếp khi phụ tải sử dụng điện cả miền Bắc giảm, EVN lại ưu tiên sử dụng nguồn thủy điện, hạn chế sử dụng nhiệt điện. Vì vậy, sản lượng điện sản xuất quý III giảm 11,0% so với cùng kỳ, kéo giảm tăng trưởng ngành công nghiệp quý III 1,4 điểm%.

Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Hải Dương khi có tăng trưởng của ngành này ước đạt 13,66% (nếu không chịu ảnh hưởng mưa bão sẽ đạt trên 14%); đây là mức tăng cao hơn 6 tháng đầu năm khá nhiều. Các ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao trong quý III như: Chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất máy móc, thiết bị chuyên dụng (máy bơm, máy khâu…); Sản xuất ô tô và linh kiện ô tô.

Tăng trưởng ngành xây dựng của Hải Dương trong quý III ước đạt 5,35%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,01% của 6 tháng đầu năm; nên đã kéo tăng trưởng 9 tháng xuống còn 7,58%. Nguyên nhân chủ yếu do trong quý III số ngày mưa khá nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của hầu hết các công trình (thiệt hại trực tiếp từ cơn bão số 3 đối với hoạt động xây dựng không đáng kể).

Mặc dù các hoạt động thương mại ít chịu ảnh hưởng, do mưa bão không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng có thời điểm hàng hóa khan hiếm tạm thời do tâm lý mua tích trữ của nhân dân. Song hoạt động vận tải (chủ yếu vận tải đường sông, đường biển) chịu ảnh hưởng lớn nhất khi doanh thu trong tháng 9 sụt giảm khoảng 8%; trong đó, vận tải biển sụt giảm 15%; đường thủy nội địa giảm 10%; đường bộ giảm 4%. Cùng với đó các hoạt động dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, hành chính hỗ trợ, thông tin truyền thông đều ít nhiều sụt giảm doanh thu trong tháng 9 từ 3-5% do tình trạng mất điện.

Đọc thêm