Khu bảo tồn biển
Đảo Lý Sơn nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 15 hải lý. Từ nhiều thế kỷ qua, đảo này đã đóng vai trò như một căn cứ để các ngư dân tới quần đảo Hoàng Sa.
Trên chiếc thuyền cùng chúng tôi ra đảo, nhà khoa học biển, Tiến Sỹ Chu Mạnh Trinh đã miêu tả cho tôi về sự cấp thiết phải kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chung tay giải quyết sự suy thoái môi trường biển và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác và khoa học sinh thái.
“Những rạn san hô khỏe mạnh ở Cù Lao Chàm được bảo vệ và là các trung tâm chủ chốt trong việc phân phối chất dinh dưỡng ra biển đồng thời đóng vai trò như khu vực sinh sản của các loài cá và chúng ta cần phải có thêm các khu bảo tồn biển” – ông nói.
Là một học giả Fulbright, ông Trinh dự định sẽ chọn mô hình bảo tồn tương tự ở Lý Sơn. Ông dự định sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để tạo thành một công viên địa chất bao gồm một khu bảo tồn biển.
Trong bối cảnh nền tảng của đảo đại diện cho nhiều thay đổi của vỏ Trái Đất, trong đó có những lớp đá bazan được hình thành từ một núi lửa 10 triệu năm tuổi, một số người hy vọng rằng khu vực này sẽ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Giới chức Quảng Ngãi đã giao cho Công ty Đoàn Ánh Dương khảo sát ở khu vực Lý Sơn. Chủ tịch Công ty là ông Đoàn Sung giới thiệu mình là một nhà môi trường học và mạnh mẽ ủng hộ việc bảo vệ môi trường và xây dựng một si sản văn hóa ở khu vực này sau khi công ty của ông đã trục vớt ở đây nhiều xác tàu.
Mục tiêu của công viên địa chất là để bảo vệ môi trường biển, xác tàu đắm và di sản văn hóa. Trong vài năm vừa qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều mảnh vỡ của những món đồ gốm sứ từ thế kỷ 18 và tượng bằng đá ở khu vực cách Lý Sơn khoảng 3km.
Tác giả James Borton. |
Biểu tượng lịch sử
Những rạn san hô của Việt Nam được bao quanh bởi đường bờ biển chạy dọc biên giới phía Đông tới phía Nam, trải dài hơn 3.500km. Khoảng 80% dân cư sống ở gần bờ biển.
Ngoài biển, hàng ngàn rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái nước nông khác đã bị hủy hoại nhanh chóng do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động để khẳng định chủ quyền trong khu vực.
Dự án cải tạo đất của Bắc Kinh đang xói mòn kết nối sinh thái giữa quần đảo Trường Sa và Biển Đông, chặt đứt nguồn cung cấp dưỡng chất mà những hệ sinh thái này vốn phụ thuộc.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc ở Hà Nội, chúng tôi đã thảo luận về sự quan trọng của việc tăng cường hợp tác vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước. Đây đều là các yêu cầu cấp thiết và là yếu tố tạo đà quan trọng cho phát triển bền vững của mỗi nước cũng như cả khu vực.
“Những rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học và các nguồn hải sản. Thật đáng thất vọng vì hành vi nạo vét và xây dựng đang tiếp diễn của Trung Quốc phá hủy những sinh vật sống quan trọng nhất của biển, đẩy mạnh sự suy thoái môi trường trong khu vực” – ông Ngọc nói.
Việc Trung Quốc liên tục thu giữ các tàu cá của Lý Sơn và quấy rối gần 3.000 ngư dân ở đây đã khiến hòn đảo này đã trở thành biểu tượng lịch sử cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và là điểm đến cho những du khách địa phương muốn thể hiện sự đoàn kết với người dân trên đảo.
20.000 người dân trên đảo Lý Sơn có 2 nghề chính là đánh bắt cá và trồng tỏi. Lý Sơn có truyền thống đánh bắt cá từ lâu đời. Bến cảng của đảo này có gần 400 tàu cá trong đó có nhiều tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Mỗi ngày các ngư dân đó đều biết được rằng sinh kế của họ đang bị đe dọa, những chiếc thuyền bằng gỗ của chồng, cha và con trai của họ đang bị các tàu Trung Quốc va chạm và đâm chìm.
Ngư dân thế hệ thứ 4 Phạm Quang Tỉnh thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ mỗi lần rời cảng biển. Tuy nhiên, anh cho rằng biển là tất cả và rằng Hoàng Sa là một phần của ngư trường của tổ tiên anh.
Không lâu sau khi lập triều đình nhà Nguyễn, triều đình phong kiến tại Việt Nam từ thế kỷ 17 đã nỗ lực để thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây hơn, Việt Nam đã chọn định hình các tuyên bố chủ quyền của nước này bằng cách dẫn các văn kiện lịch sử, thơ ca và những câu chuyện đầy màu sắc về những thủy thủ Việt Nam yêu nước đã hy sinh tính mạng để bảo vệ các quần đảo này.
Câu chuyện này được tưởng nhớ qua đội tàu Hoàng Sa bao gồm 70 thủy thủ được chọn từ xã An Vĩnh (Lý Sơn). Vào tháng 3 hàng năm, họ sẽ đi thuyền trong khoảng 3 ngày tới Hoàng Sa để mua hàng hóa, đo đạc các tuyến đường biển và khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Nhà thơ, học giả và là kho báu của Việt Nam Võ Hiển Đạt hiện 86 tuổi đã nghiên cứu tỉ mỉ các chi tiết về lịch sử hàng hải của Lý Sơn và các tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Đạt viết: Công đức của tổ tiên người dân đảo Lý Sơn là vô biên/Các thế hệ con cháu cần tiếp tục chèo thuyền.
Bảo tàng sống
Đảo Lý Sơn được xem là bảo tàng sống về các hiện vật Hoàng Sa. Bảo tàng này trưng bày hơn 1.000 tài liệu, hình ảnh và các hiện vật có liên quan đến sự anh dũng của những binh sỹ Hoàng Sa và Trường Sa.
Giám đốc trẻ của bảo tàng là anh Võ Minh Tuấn cho rằng cuộc xung đột với Trung Quốc đã gợi lên những tình cảm mạnh mẽ tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều người Việt Nam khẳng định tình cảm của họ đối với ngư trường cổ xưa của đất nước tại Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong nhiều cuộc chuyện trò với người dân Lý Sơn, họ tự hào tiết lộ rằng tổ tiên của họ đã mạo hiểm khám phá Hoàng Sa từ thế kỷ 18. Những cuộc xung đột về quyền đánh bắt ở Hoàng Sa đã gia tăng trong năm 2001, khi Trung Quốc lần đầu tiên ngăn không cho các ngư dân Lý Sơn tới khu vực họ vốn coi là ngư trường truyền thống của mình và áp lệnh cấm đánh bắt theo mùa.
Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam đã phát động chiến dịch bảo vệ đất tổ ở Biển Đông. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn đảo Lý Sơn làm nơi tổ chức triển lãm quốc gia về các bản đồ của Việt Nam và Trung Quốc với khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – bằng chứng pháp lý và lịch sử”.
Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng đã công bố chiến lược chủ quyền với các khẩu hiệu như “Việt Nam là một quốc gia hàng hải”, “Đảo là nhà, biển là quê hương”, hay “Mỗi công dân Việt Nam là một công dân của biển”.
Theo ông Võ ở bảo tàng lịch sử tại Lý Sơn, các công dân Việt Nam tin rằng Việt Nam là một đất nước biển với lịch sử lâu dài ở Hoàng Sa và Trường Sa. “Đó là lý do chúng tôi chọn các khẩu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân về các quyền của chúng tôi ở Biển Đông” – ông Võ nói.
Mới đây, Trung tâm đào tạo và truyền thông môi trường ở Hà Nội cũng đã công bố cuộc thi làm phim về môi trường quốc gia lần thứ 6. Cuộc thi này tôn vinh các tổ chức và cá nhân đã sản xuất những bộ phim có giá trị và chất lượng về môi trường để giáo dục và khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.
Các sách, tài liệu, ghi chép lịch sử, bản đồ đều đưa ra những bằng chứng cho thấy Việt Nam có tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông và điều rõ ràng hiện nay là tất cả người dân Việt Nam đều hướng về vùng biển này, đặc biệt là người dân Lý Sơn. Nhưng nguồn tài nguyên duy trì sự sống này đang bị đe dọa.
Ông Vũ Thanh Ca từ Viện nghiên cứu quản lý biển và hải đảo xác nhận rằng môi trường đang xuống cấp nghiêm trọng do việc sử dụng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không được kiểm soát. “Tranh chấp lãnh thổ cũng làm vấn đề trầm trọng hơn và đường lưỡi bò của Trung Quốc cũng đưa đến tranh chấp trong việc đánh bắt trong khi các nguồn tài nguyên biển lại giảm” – ông nói.