Bảo tàng tư nhân góp phần gìn giữ di sản tư liệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh hiện nay, các bảo tàng tư nhân tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc bảo tồn di sản tư liệu.
Nhiều tư liệu quý về lịch sử y học Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Y học cổ truyền. (Nguồn: Vietnambeauty)
Nhiều tư liệu quý về lịch sử y học Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Y học cổ truyền. (Nguồn: Vietnambeauty)

Vai trò không thế thiếu của bảo tàng tư nhân

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia nhận định, ngoài các di sản tư liệu được vinh danh, đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát hay thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về số lượng các tư liệu quý của Việt Nam. Ngoài các di sản được bảo quản bởi các tổ chức, cơ quan nhà nước, nhiều di sản tư liệu được ghi danh ở trong Nhân dân, trong nhà thờ các dòng họ hoặc được gìn giữ bởi các bảo tàng tư nhân.

Hiện toàn quốc có khoảng hơn 60 bảo tàng ngoài công lập. Điều đáng nói, không ít trong số đó có quy mô ngang với bảo tàng nhà nước. Bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam khá phong phú, gồm các nhóm chính: Bảo tàng về cổ vật; Bảo tàng về nghệ thuật; Bảo tàng về lịch sử chiến tranh; Bảo tàng chuyên ngành/lĩnh vực; Bảo tàng tôn giáo; Bảo tàng văn hóa dân gian/dân tộc học; Bảo tàng danh nhân, cá nhân, gia đình; Bảo tàng tổng hợp...

Bên cạnh số hiện vật lớn, quý hiếm, các bảo tàng tư nhân còn lưu giữ nhiều di sản tư liệu cực kì giá trị mà hệ thống bảo tàng công lập chưa thể bao quát hết. Những tư liệu ấy có thể là những bản thư viết tay của một thời binh lửa, những bức ảnh chụp lưu niệm của những con người thuộc về lịch sử, bản thảo đầu tiên của một bài thơ, bản nhạc của những nghệ sĩ tài năng đã đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam, băng ghi âm ghi hình quý báu về một khoảnh khắc đã qua, những tờ đăng kí kết hôn thuở xa xưa, những kho tàng sách quý xưa kia mà nay đã thất truyền, chỉ còn độc bản...

Có thể hình dung ra các nhà sưu tập tư nhân không dễ dàng để thu thập, gìn giữ được nhiều tư liệu quý báu mang giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc. Những bảo tàng công lập, với những chủ nhân “máu lửa” thích sưu tập, gìn giữ kí ức, bỏ tiền túi ra để tìm bằng được và trân quý giữ gìn những kỉ vật ấy mới có thể tạo ra những bộ sưu tập đồ sộ, chi tiết, quý hiếm để người dân chiêm ngưỡng.

Có thể nói, sự xuất hiện và phát triển của các bảo tàng tư nhân tại Việt Nam đã tạo nên một diện mạo mới trong lĩnh vực bảo tồn di sản tư liệu, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản quốc gia. Các bảo tàng này không chỉ tập trung vào việc sưu tầm và bảo quản hiện vật mà còn chú trọng đến việc nghiên cứu và truyền bá kiến thức lịch sử, văn hóa đến cộng đồng. Thông qua các triển lãm, hội thảo và hoạt động giáo dục, các bảo tàng tư nhân đã nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của di sản tư liệu, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và ý thức bảo tồn di sản trong xã hội. Cạnh đó, bảo tàng tư nhân còn có những cách thức rất mới mẻ, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, kĩ thuật cao, kết hợp với du lịch, tổ chức sự kiện... thu hút khách đến tham quan. Những đóng góp cụ thể này đã giúp bảo tồn nhiều tư liệu quý giá trong nhiều lĩnh vực, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử đất nước.

Nhiều tư liệu quý được gìn giữ

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội trưng bày nhiều tư liệu quý hiếm về cuộc đời Đại tướng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. (Nguồn: NLD)

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội trưng bày nhiều tư liệu quý hiếm về cuộc đời Đại tướng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. (Nguồn: NLD)

Một trong những bảo tàng tư nhân gìn giữ được nhiều tư liệu quý chính là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam do người dân một thôn làng tự nguyện quyên góp tiền xây dựng. Bảo tàng có hơn 400 hiện vật, tư liệu về truyền thống của một làng nghề nhiếp ảnh lâu đời. Thông qua những tư liệu ảnh, bảo tàng đã kể lại câu chuyện những người dân Lai Xá đã gây dựng các hiệu ảnh trên khắp cả nước; chuyện về Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội; hành trình nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Còn có thể kể đến Bảo tàng tư nhân về y học, Bảo tàng Y học cổ truyền, ra đời từ mong muốn của ông Lê Khắc Tâm, một người làm việc trong ngành dược phẩm nhằm bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh nền y học cổ truyền Việt Nam. Đây là một trong những bảo tàng tư nhân có quy mô lớn với lượng tư liệu quý báu tại Việt Nam. Bảo tàng tọa lạc tại quận 10, TP Hồ Chí Minh có quy mô 6 tầng, 18 phòng trên tổng diện tích 600m2. Tại bảo tàng, bên cạnh các hiện vật về ngành y học cổ truyền, còn có rất nhiều tư liệu quý hiếm, các bài thuốc cổ xưa, những tư liệu về niên biểu lịch sử y học cổ truyền Việt Nam. Bảo tàng còn có cả một kho tàng sách Hán ngữ - Nôm đồ sộ với hơn 100.000 trang. Trong đó có nhiều cuốn sách quý như “Y Tông tâm tĩnh” hay “Nam dược thần hiệu” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (28 tập, 66 quyển). Đây cũng được coi là bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Việt Nam. Nhiều người tham quan bảo tàng đã nhận định, nhờ có những tư liệu quý báu của bảo tàng, họ đã hiểu và tự hào rằng nền y học của nước ta không hề thua kém các nước có nền y học phát triển rực rỡ như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…

Một bảo tàng thú vị, được nhiều người dân TP Hồ Chí Minh quan tâm là Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, anh Dương Rạch Sanh, một người Việt gốc Hoa đã dày công sưu tầm được nhiều hiện vật, tư liệu quý hiếm như những kỷ vật, hình ảnh, giấy tờ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Ngọc (người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu); bức tranh vẽ của ông Lục Thiên Nhiên, một cán bộ lão thành cách mạng người Hoa; nhiều bức thư pháp quý thời xưa...

Trong số các bảo tàng ngoài công lập, thì tuyến các bảo tàng về danh nhân được chính gia đình các danh nhân lập ra cũng là “kho báu” chứa nhiều tư liệu văn hóa - lịch sử đáng quý. Như Bảo tàng Tố Hữu tại quận Cầu Giấy, Hà Nội được xây dựng trên cơ sở Nhà lưu niệm Tố Hữu khai trương từ năm 2009. Tại bảo tàng có chứa nhiều hình ảnh, tư liệu, cung cấp cho người xem một cách đầy đủ và đa chiều về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng, nhà thơ lớn Tố Hữu. Các bản thảo gốc của những áng thơ cũ của nhà thơ Tố Hữu cũng được lưu lại tại bảo tàng.

Hay Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hệ thống trưng bày của bảo tàng bao gồm 8 chủ đề chính, ngoài 220 hiện vật còn có khối lượng tư liệu đồ sộ là 300 bức ảnh, hơn 150 tài liệu giấy. Ngoài ra, còn có hơn 100 đầu sách do Đại tướng viết cùng các tác phẩm do nhiều tác giả viết; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thông qua những tư liệu liên quan đến cuộc đời Đại tướng, phản ánh một giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo tàng đã đem lại những bài học quý báu về lịch sử, về lòng yêu nước cho giới trẻ ngày nay.

Có thể khẳng định, các bảo tàng ngoài công lập đã góp phần lưu trữ, bảo tồn nhiều di sản tư liệu và giới thiệu với công chúng. Sự góp mặt của các bảo tàng ngoài công lập đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng, đồng thời mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa.

Làm bảo tàng tư nhân là câu chuyện không dễ dàng. Những năm qua, không ít bảo tàng tư nhân mở ra với vốn đầu tư lớn nhưng phải dẹp bỏ với nhiều lý do khác nhau. Phải có nhiều quyết tâm, phải có tấm lòng lớn đối với di sản lắm mới có thể sưu tầm, gìn giữ di sản, duy trì được hoạt động của bảo tàng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ hướng đến bảo tàng ngoài công lập là điều mà cơ quan quản lý rất cần làm, bởi đây không chỉ là việc hỗ trợ những doanh nghiệp đơn thuần, mà là nâng đỡ, tạo điều kiện cho những đơn vị đang tâm huyết, chung tay để gìn giữ, lan tỏa giá trị di sản của đất nước.