“Bão táp” dữ dội ập tới nữ Tổng thống Brazil

(PLO) - Tối 17/4, với 367 phiếu thuận, Hạ viện Brazil đã thông qua việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff bởi các cáo buộc liên quan tới việc che giấu và thao túng công quỹ liên bang trong chiến dịch tái tranh cử năm 2014 của bà. 
Có 367 trong 513 đại biểu Hạ viện ủng hộ việc luận tội bà Rousseff.
Có 367 trong 513 đại biểu Hạ viện ủng hộ việc luận tội bà Rousseff.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu mới nhất này không đồng nghĩa rằng nhà lãnh đạo Brazil 68 tuổi này phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Kết quả bỏ phiếu đã mở ra giai đoạn tranh tụng pháp lý kéo dài và kích động thêm các bất ổn chính trị bởi tiến trình này sẽ được trình lên Thượng viện phê chuẩn.

“Bão” quá mạnh

Theo Ligia Maura Costa, Giáo sư tại Đại học Sciences Po ở Paris, tiến trình này có thể kéo dài đến cuối năm 2016, cho đến khi một quyết định cuối cùng được đưa ra và tương lai chính trị Brazil được đảm bảo trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. 

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu tiến trình luận tội này diễn ra sau khi đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) lớn nhất nước này và đảng Tiến bộ đã rời bỏ liên minh cầm quyền- động thái cho thấy sự ủng hộ cuộc bỏ phiếu luận tội ở Quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu hôm 17/4, bà Rousseff có thể lựa chọn gửi yêu cầu lên Tòa án Tối cao để phản đối kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện. Nếu bà làm vậy, Thượng viện phải chờ phán quyết của tòa trước khi viện này tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn quyết định của Hạ viện. Cho đến khi tòa án đưa ra quyết định, bà Rousseff vẫn giữ chức tổng thống.

Thời gian tiến hành bỏ phiếu ở Thượng viện vẫn chưa được xác định, song các chuyên gia cho rằng cuộc bỏ phiếu phải được diễn ra trước ngày 11/5. Nếu đa số trong số 81 thượng nghị sĩ phê chuẩn kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện về việc luận tội tổng thống, bà Rousseff sẽ phải từ chức và Phó Tổng thống Michel Temer sẽ đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời của Brazil. 

Số phận của Tổng thống Brazil đang cực kỳ mong manh.

Số phận của Tổng thống Brazil đang cực kỳ mong manh.

“Pedaladas”

Trang mạng “France 24” nhấn mạnh, tình hình tại Thượng viện không có lợi cho đảng Lao động: “Đa số trong Thượng viện đều ủng hộ phe đối lập và số mệnh của Tổng thống Brazil đang cực kỳ mong manh. Đảng Lao động, vốn đã cầm quyền trong 12 năm qua, đang lao đao và một số thành viên trong đảng đã đề xuất rằng bà Rousseff nên tự rút ngắn thời gian cầm quyền và kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống trước hạn”. Bà Rousseff đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này, gọi các hành vi buộc tội bà là “cuộc đảo chính dân chủ” và thề sẽ kháng án.

Các cáo buộc dẫn đến tiến trình luận tội bà Rousseff chủ yếu liên quan đến việc thao túng công quỹ trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Tại Brazil, thuật ngữ để chỉ việc gian lận công quỹ là “pedaladas”- hoặc gọi là hình thức “can thiệp”. Thuật ngữ này không áp dụng với vụ bê bối tham nhũng Petrobas vốn chiếm hầu hết các mặt báo ở Brazil trong nhiều tháng qua.

Bê bối rửa tiền tại tập đoàn dầu mỏ quốc gia này đã khơi mào cho cuộc điều tra mang tên “Hoạt động rửa tiền”, có sự dính líu của một số chính trị gia hàng đầu Brazil, trong đó có cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Giáo sư Maura Costa nhấn mạnh: “Nếu đọc bản thủ tục luận tội hai trường hợp: thủ tục luận tội bà Dilma Rousseff đang trong quá trình bỏ phiếu thông qua và thủ tục luận tội Phó tổng thống vốn chưa được bắt đầu, cả hai đều không đề cập đến bê bối tham nhũng Petrobras. Các cáo buộc này chủ yếu dựa trên các quy định tài chính không được tuân thủ, gồm việc làm giả hoặc thao túng công quỹ”.

Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng “dính” cáo buộc tham nhũng.

Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng “dính” cáo buộc tham nhũng.

Trả giá cho sai lầm?

Một loạt các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về quá trình luận tội bà Rousseff. Tổng Thư ký OAS Luis Almagro nói: “Bà Rousseff là người chưa từng bị điều tra, kiện cáo ở bất kỳ tòa án nào, trong khi những người sẽ đưa ra phán quyết về bà tại Quốc hội lại là những người đang bị cáo buộc, đang trong quá trình điều tra và chờ xét xử”.

Các cáo buộc tham nhũng quy mô lớn đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đang đứng trước cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng của Brazil đã giảm 3,8% trong năm 2014 và nền kinh tế sẽ tiếp tục thu hẹp. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao, với 1/5 người Brazil bị sa thải, trong khi thâm hụt ngân sách ảnh hưởng xấu đến chi tiêu chính phủ. 

Với 367 trong 513 đại biểu Hạ viện ủng hộ việc luận tội, bà Rousseff giờ có thể bị cách chức vì đã trì hoãn việc chuyển ngân quỹ vào ngân hàng khiến cho tài chính của chính phủ có vẻ mạnh hơn thực tế, và bà bị cáo buộc đã vi phạm luật ngân sách. Trái với Tổng thống, có một tỷ lệ khá lớn những người đã bỏ phiếu để hạ bệ bà đang bị điều tra vì các tội từ tham nhũng cho tới sử dụng lao động nô lệ. 

Nếu Thượng viện phê chuẩn việc luận tội bà Rousseff, một phiên tòa xét xử tại Thượng viện - dưới sự giám sát của thẩm phán Tòa án Tối cao- có thể kéo dài tới 180 ngày. Để loại bỏ bà Rousseff khỏi chức tổng thống sẽ cần tới 2/3 trong số 81 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, tức 54 phiếu. Nếu kết quả dưới ngưỡng đó, bà Rousseff sẽ được khôi phục chức tổng thống. Nếu tòa đưa ra phán quyết luận tội, bà Rousseff có thể một lần nữa kháng cáo và bà đã bày tỏ dấu hiệu rằng bà sẽ làm vậy. Nếu bà Rousseff kháng cáo không thành ông, ông Temer sẽ đảm nhiệm nốt nhiệm kỳ của bà kéo dài đến cuối năm 2018. 

Theo báo Le Monde (Pháp), nữ Tổng thống Rousseff đang phải trả giá cho những sai lầm chính trị của bản thân. Thứ nhất, là nạn tham nhũng quy mô lớn trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Petrobras, được cho là “con bò sữa” phục vụ Đảng Lao động và liên minh cầm quyền khi đó (bà Rousseff giữ chức Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng).

Ngoài ra, bà bị chỉ trích không đủ khả năng quản lý chính quyền, một tầng lớp chính trị đang bị nạn tham nhũng gặm nhấm. Cuối cùng là quyết định đưa cựu Tổng thống Lula trở lại chính trường với một chức danh ngang bộ trưởng nhằm giúp người tiền nhiệm tránh vòng lao lý vì những cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống Dilma Rousseff cũng phải trả giá cho việc nền kinh tế Brazil rơi vào tình trạng trì trệ. Nguyên nhân chính là do nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, khiến giá nhiên liệu rơi tự do và đẩy nền kinh tế Brazil vào tình trạng suy thoái với tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Các chuyên gia cho rằng GDP năm 2016 của Brazil sẽ giảm 3,5%. Đây là năm thứ hai suy thoái kinh tế liên tiếp của quốc gia Nam Mỹ này. 

“Chìm” vào khủng hoảng

Lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff, phe đối lập hy vọng khôi phục nền kinh tế Brazil bằng cách tự do hóa thị trường. Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia phân tích, nhiều yếu tố có thể dập tắt những tia hy vọng này. 

Trước hết, những người kế nhiệm chưa chắc đã trong sạch hơn nữ Tổng thống. Phó Tổng thống Temer cũng có liên quan đến các cáo buộc thao túng ngân sách trong chiến dịch tranh cử. Phán quyết của Tòa án Tối cao hôm 5/4 quy định rằng Quốc hội phải bắt đầu tiến trình luận tội vị Phó Tổng thống vốn không được lòng dân này và đồng thời là cựu Chủ tịch PMDB. 

Người phụ trách quá trình luận tội bà Rousseff, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng bị buộc tội tham nhũng và rửa tiền trong bê bối ở Công ty Petrobas và đang bị điều tra về các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ không được kê khai. Ông Cunha còn nằm trong số 6 cái tên hàng đầu dính díu đến “Hồ sơ Panama”, tài liệu ghi chép các thỏa thuận tài chính ở nước ngoài nhằm trốn thuế được tiết lộ cho báo giới hồi đầu tháng 4/2016. 

Tiếp theo, phe đối lập chắc chắn sẽ bị mất “phiếu” của những người ủng hộ đảng Lao động và cựu Tổng thống Lula. Dù là những người tiên phong ủng hộ việc phế truất Tổng thống, song phe đối lập vẫn không thể thay đổi được sự chán ngán và thiếu tin tưởng vào chính giới của người dân. Brazil đang rơi vào tình trạng bất ổn, việc làm cần thiết trước mắt là các nghị sĩ phải vượt qua những lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích của đông đảo quần chúng. 

Tổng thống “chiến đấu đến cùng”…

Về phần mình, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cảnh báo tiến trình luận tội chống lại bà sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil. 

Phát biểu tại cuộc họp với giới báo chí quốc tế, Tổng thống Rousseff tố cáo việc làm của phe đối lập là hành động đảo chính, đồng thời khẳng định việc phế truất Tổng thống là không có cơ sở pháp lý. Lý giải việc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính do đã “làm đẹp” các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và đã sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội, bà Rousseff cho rằng từ trước tới nay, các tổng thống và các chính phủ trước đều áp dụng hình thức thống kê nói trên và bản thân bà không hề tư lợi từ những khoản tiền này. Bà Rousseff, nhậm chức nhiệm kỳ hai kéo dài 4 năm ngày 1/1/2015, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền dân chủ. 

Từ nước láng giềng, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cảnh báo “cuộc đảo chính ở Quốc hội” Brazil là mối đe dọa đối với toàn châu Mỹ và đây là một âm mưu của đế quốc nhằm chống lại các chính phủ nhân dân, tái lập mô hình chủ nghĩa tự do mới ở khu vực. Phát biểu tại một buổi lễ ở thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro cho rằng những gì đang xảy ra ở Brazil là một minh chứng cho thấy kế hoạch gây bất ổn chống lại các chính phủ cánh tả đang diễn ra ở khu vực, chứ không riêng ở Venezuela. Ông tố cáo một âm mưu tương tự cũng đang xảy ra tại Quốc hội nước này, với phe đối lập chiếm đa số.

Khủng hoảng chính trị tại Brazil hiện nay xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua; thâm hụt ngân sách cao, mức tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ Real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập kỷ, kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Cùng với những khó khăn kinh tế, vụ bê bối tham nhũng khổng lồ bị phanh phui hồi tháng 3/2014 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) đã đẩy tình hình chính trị tại Brazil càng rơi vào bế tắc. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

Đọc thêm