Báo thế giới nói về triển vọng 'hóa hổ' của Việt Nam

(PLO) - Trong bài viết có tiêu đề “Xin chào, Việt Nam” ở mục Con rồng tiếp theo của châu Á, tờ The Economist cho biết, sau khi vươn lên vị trí nước có thu nhập trung bình, Việt Nam hiện đang đặt những mục tiêu phát triển cao hơn.
Công nhân Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục

Năm 2009, khi tìm địa điểm mới để đặt nhà máy chuyên sản xuất thiết bị y tế, công ty của ông Jonathan Moreno đã loại trừ các phương án ở phần lớn các khu vực trên thế giới. Châu Âu và châu Mỹ quá đắt đỏ, Ấn Độ thì quá phức tạp còn vấn đề quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc thì lại rất tệ, cuối cùng, Việt Nam là ứng viên duy nhất còn lại. 

Tại thời điểm đó, một lựa chọn như vậy có vẻ như rất mạo hiểm vì Việt Nam mới chỉ đang nổi lên như một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài. 7 năm sau, ông Moreno đến giám sát hoạt động của công ty.

Chứng kiến cảnh những công nhân đang miệt mài lắp ráp các bộ phận của một chiếc máy thăm dò chức năng trong một căn phòng được thiết kế như một phòng thí nghiệm, ông Moreno chắc chắn công ty sẽ còn mở rộng hoạt động hơn nữa ở Việt Nam. 

“Chúng tôi sẽ mở rộng nhà máy ra phía sau và tới những vị trí kia” – ông vừa nói vừa chỉ tay về các hướng khác nhau.

Công ty của ông Moreno không phải công ty nước ngoài duy nhất đến Việt Nam và có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây. Bằng chứng là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt đến mức kỷ lục trong năm 2015 và vẫn đang tiếp tục tăng trong năm nay.

Các thỏa thuận đầu tư ở nước này đã đạt mức 11,3 tỉ USD trong nửa đầu của năm 2016, tăng 105% so với cùng kỳ của năm ngoái dù nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng chậm chạp. 

Các hiệp định tự do thương mại quy mô lớn là một phần động lực của các thỏa thuận đầu tư này. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng cho thấy những biến chuyển sâu sắc hơn đang diễn ra ở Việt Nam. Nước này đang cho thấy họ đang đúng hướng trong việc thúc đẩy các yếu tố để đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.

Quỹ đạo của những con hổ

Việt Nam có hồ sơ phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thường bị đánh giá thấp hơn so với thực tế. Kể từ năm 1990 cho đến nay, tăng trưởng của nước này đạt bình quân gần 6%, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Chính yếu tố đó đã giúp đưa Việt Nam từ chỗ thuộc nhóm những nước nghèo nhất thế giới lên nhóm các nước có thu nhập trung bình. 

Nếu Việt Nam có thể giữ được đà tăng trưởng trung bình khoảng 7% thêm 1 thập kỷ nữa thì quỹ đạo phát triển của họ sẽ tương tự như quỹ đạo của Trung Quốc và những con hổ châu Á khác từng trải qua. Nhưng nếu tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới tụt xuống còn khoảng 4%, họ sẽ kết thúc trong một quỹ đạo không lấy gì làm ấn tượng như Thái Lan và Brazil.

Có lẽ yếu tố lợi thế lớn nhất của Việt Nam là địa lý. Đường biên giới của nước này với Trung Quốc – nơi trước kia từng là một điểm nóng về quân sự - thì nay lại trở thành một lợi thế cạnh tranh. Việt Nam hiện là nước gần với trung tâm sản xuất ở miền Nam Trung Quốc hơn bất cứ nước nào trên thé giới. 

Không những thế, việc đi lại giữa 2 bên cũng rất thuận tiền bằng cả đường bộ và đường biển. Việc mức lương của người Trung Quốc tăng lên khiến Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế đối với những công ty đang tìm cách di chuyển nhà máy sản xuất của họ tới các trung tâm sản xuất chi phí thấp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh họ vẫn muốn duy trì liên kết với chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. 

Một dân số tương đối trẻ cũng tăng thêm sự hấp dẫn của Việt Nam. Trong khi độ tuổi trung bình của Trung Quốc hiện nay là 36 thì của Việt Nam là 30,7. Chẳng bao lâu nữa, dân số của Việt Nam sẽ già đi nhanh chóng nhưng lực lượng lao động thành thị của nước này hiện vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. 

7 trong 10 người Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn. Tỉ lệ này tương đương với ở Ấn Độ nhưng thấp hơn so với tỉ lệ 44% ở Trung Quốc. Tỉ lệ lao động nông thôn sẽ giúp giảm áp lực tiền lương, giúp Việt Nam có thêm thời gian để xây dựng các ngành công nghiệp cần nhiều lao động – một điều cần thiết đối với một đất nước có dân số gần 100 triệu người.

Nhiều nước khác cũng có lực lượng lao động trẻ. Nhưng ít nước có những chính sách hiệu quả như Việt Nam. Từ đầu những năm 1990, chính phủ nước này đã rất cởi mở với các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.

Điều này đã khiến các công ty nước ngoài tin tưởng khi xây dựng các nhà máy tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đóng góp khoảng 1/4 chi tiêu vốn hàng năm của Việt Nam. Thương mại đạt khoảng 150% tổng sản lượng quốc gia, nhiều hơn tất cả các nước có cùng mức GDP bình quân đầu người.

Các nhà đầu tư cũng có lòng tin vào sự ổn định của các kế hoạch dài hạn của Việt Nam. Tương tự Trung Quốc, Việt Nam cũng sử dụng các kế hoạch 5 năm như các bản thiết kế thô cho sự phát triển. Giới quản lý của Việt Nam cũng tạo điều kiện để 63 tỉnh thành cạnh tranh lẫn nhau để thu hút các nhà đầu tư.

Mô hình phát triển các khu công nghiệp bằng tiền và các quản lý nước ngoài được khởi xướng ở TP.Hồ Chí Minh vào năm 1991 và cho đến nay đã được mở rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước.

Lực lượng lao động của Việt Nam không chỉ trẻ mà còn có kỹ năng. Chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam chiếm khoảng 6,3% GDP, nhiều hơn 2% so với mức trung bình của các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Dù chính phủ một số nước có thể còn chi nhiều hơn con số này nhưng việc chi tiêu của Việt Nam đã xác định được tốt những vấn đề trọng tâm, chú trọng vào việc thúc đẩy tuyển sinh các cấp và đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu. Trong các bảng xếp hạng toàn cầu, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam được xếp cao hơn các học sinh của Mỹ và Anh ở các môn toán và khoa học. 

Việt Nam dự kiến sẽ là nước được hưởng lợi nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với việc giới chính trị ở Mỹ hiện đang có xu hướng phản đối thỏa thuận này, TPP có thể sẽ không thể được thực thi. Nhưng kể cả khi nguy cơ này trở thành sự thực thì Việt Nam cũng sẽ vẫn phát triển tốt. TPP cho đến nay đã giúp Việt Nam cho các nước thấy được những năng lực của nước này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tham gia vào nhiều thỏa thuận lớn khác: một thỏa thuận tự do thương mại với EU hiện đang có hiệu lực và một thỏa thuận tương tự với Hàn Quốc cũng đã có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái.

Những thách thức

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với hàng loạt các thách thức, và bất kỳ thách thức nào cũng có thể cản trở sự phát triển của nước này. Đầu cơ thái quá trong quá khứ đã giúp thổi lên bong bóng tài sản. Bong bóng này bùng nổ vào năm 2011, khiến các ngân hàng đầy nợ xấu.

Việt Nam đã tạo ra một “ngân hàng nợ xấu” để tiếp nhận những khoản vay không trả được và bắt đầu quá trình làm sạch hệ thống ngân hàng của mình. Tuy nhiên, Việt Nam đang chậm chạp bơm thêm vốn mới vào các ngân hàng và còn lưỡng lự trong việc hiện đại hóa hoạt động của các ngân hàng này.

Trong một vấn đề rất quan trọng, Việt Nam lại tỏ ra kém hơn Trung Quốc: thúc đẩy hoạt động của lĩnh vực tư nhân. Các công ty tư nhân của Trung Quốc tạo ra khoảng 1,7 nhân dân tệ doanh thu trên mỗi nhân dân tệ tài sản, nhiều hơn gấp đôi so với tỉ lệ 0,7% của các doanh nghiệp nhà nước.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng thế giới, năng suất của lĩnh vực tư nhân đã giảm trong thập kỷ qua xuống còn 0,7%, tương đương với các doanh nghiệp nhà nước. 

Thêm vào đó, dù Việt Nam được hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài nhưng theo thống kê của Ngân hàng phát triển châu Á thì chỉ 36% trong số các công ty của nước này hội nhập được vào các ngành xuất khẩu trong khi tỉ lệ này ở Malaysia và Thái Lan là gần 60%.

Phần lớn các hợp phần của kế hoạch đầu tư 3 tỉ USD vào sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam của Samsung đã được tiến hành nhưng phần lớn nguyên liệu sản xuất vẫn do các nhà cung ứng Hàn Quốc cung cấp, trừ mặt hàng bao bì nhựa. 

Trong năm 2017, Ngân hàng thế giới sẽ bắt đầu lộ trình cắt giảm các khoản vay ưu đãi với Việt Nam. Với Việt Nam, đây sẽ là thời khắc để nhìn lại những thành tựu mà nước này đã đạt được cũng như suy nghĩ về con đường phía trước. Đó sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành câu chuyện thành công lớn tiếp theo của châu Á. 

Đọc thêm