Bảo tồn nguyên trạng, toàn vẹn VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

(PLO) -Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Động thiên đường, ảnh Internet
Động thiên đường, ảnh Internet

Gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương. Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch - sinh thái hấp dẫn "bậc nhất" khu vực châu Á - Thái Bình Dương, động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

Theo đó, năm 2020 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ đón khoảng 65 vạn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn. Năm 2030 dự báo khoảng 135 vạn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn.

Bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản

Theo quy hoạch, sẽ bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong mối liên kết bảo tồn với vùng sinh thái Hin Nammo của Lào và quần thể sinh thái dãy Trường Sơn. Thiết lập và kiểm soát các hành lang đa dạng sinh học lưu vực sông Son, sông Ranh, sông Nhật Lệ nối liền Vườn quốc gia với các vùng tự nhiên khác trong vùng miền Trung.

Du khách thích thú khám phá Phong Nha- Kẻ Bàng
 Du khách thích thú khám phá Phong Nha- Kẻ Bàng

Kiểm soát các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khai thác đá mỏ quặng, kinh tế thương mại, phát triển dân cư... trong vùng đệm, đặc biệt tại các khu vực cửa khẩu Thượng Trạch, cửa khẩu Cha Lo, dọc 2 bên bờ sông Son để không ảnh hưởng đến bảo tồn.

Phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử trong địa bàn tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung trên tuyến du lịch quốc gia "Con đường di sản miền Trung".

Xây dựng tuyến không gian lễ hội kéo dài từ biển đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dọc theo đường thủy từ sông Gianh đến sông Son và theo đường bộ từ thành phố Đồng Hới đến đô thị Du lịch Phong Nha. Xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp tại Sơn Trạch, Phúc Trạch. Hình thành các điểm du lịch chất lượng cao trong Vườn quốc gia, trên sông Son, sông Troóc, sông Long Đại, thác nước Phù Định, núi Thần Đinh...

Hình thành các tuyến du lịch theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 Quyết Thắng; tuyến đến bản A Rem qua các hang động; tuyến theo đường Hồ Chí Minh đến đỉnh U Bò, hang Én và hang Sơn Đoòng, sông Long Đại...

Sẽ hình thành trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha, người dân bản địa được hưởng lợi.
 Sẽ hình thành trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha, người dân bản địa được hưởng lợi.

Phát triển đô thị du lịch và cảnh quan

Riêng đối với đô thị du lịch Phong Nha, sẽ phát triển đô thị du lịch và cảnh quan; cung cấp các dịch vụ đô thị cao cấp phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch Vườn quốc gia. Dân số năm 2020 khoảng 13 - 18 nghìn người và năm 2030 khoảng 15-20 nghìn người.

Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và lựa chọn quỹ đất cao ráo tại các thôn Xuân Sơn, Hà Lời... để xây dựng các khu chức năng đô thị hạn chế ngập lũ sông Son. Hình thành trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha trên cơ sở nâng cấp trung tâm du lịch hiện có trên sông Son thành trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch về phía Đông đường Hồ Chí Minh. Phát triển các khu nhà ở sinh thái, dịch vụ công cộng phục vụ khu dân cư nông thôn xã Phúc Trạch và lân cận, chợ nông sản đầu mối, dịch vụ quá cảnh trên đường Hồ Chí Minh...