Cáp treo sẽ làm “mất giá” hang Sơn Đoòng?

(PLO) - Theo chuyên gia, hang Sơn Đoòng không dành phục vụ số đông. Nếu chỉ ngồi cáp treo vào tham quan thì hang Sơn Đoòng sẽ như một hang động bình thường… Điều đó cũng có nghĩa Việt Nam mất đi một niềm tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ được thế giới tôn vinh.
Cáp treo sẽ làm “mất giá” hang Sơn Đoòng?
Hang Sơn Đoòng không dành phục vụ số đông 
Trước thông tin về dự án xây dựng tuyến cáp treo , PGS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam tỏ ra buồn và lo lắng. Theo PGS Phương thì hình thức khai thác du lịch di sản thiên nhiên thế giới cần cân nhắc thận trọng hơn và phải đặt mục tiêu bảo tồn lên hàng đầu chứ không phải là kinh tế. Dự án cáp treo sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. 
Theo PGS Tạ Hòa Phương, khi đưa máy ảnh chụp một cảnh đẹp, bị vướng tuyến dây điện nhỏ cũng đã cảm thấy rất khó chịu, huống hồ di sản thiên nhiên bị “vướng mắt” bởi hệ thống cáp treo. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khi có tuyến cáp treo chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn du khách. Nhưng tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát đã thấy ở các nơi vận hành cáp treo khác thực sự là điều đáng lo ngại với môi trường, nơi có đa dạng sinh học rất cao như Phong Nha - Kẻ Bàng. 
Lo ngại lớn nhất là kế hoạch xây dựng dự kiến xây nhà ga ở khu vực miệng hố sập thứ 2 của hang Sơn Đoòng, nhằm đưa du khách vượt hàng trăm mét xuống tham quan “Vườn Edam” - khu rừng nhiệt đới độc đáo phát triển trong hang phải mất hàng triệu năm kiến tạo. Các chuyên gia di sản, địa chất đều tỏ ra nghi ngại việc xây dựng một công trình hiện đại như tuyến cáp treo đưa hàng chục ngàn người đến hang Sơn Đoòng mỗi năm sẽ hủy hoại vẻ đẹp nguyên sơ, phá vỡ hệ sinh thái độc đáo của di sản này; chưa kể đến vấn đề quá tải của môi trường, rác thải, những dịch vụ kèm theo để phục vụ nhu cầu của hàng ngàn du khách.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng lưu ý, hoạt động nào ở vùng di sản cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến tài nguyên du lịch do không thể phục hồi nguyên trạng. Nếu những giá trị hấp dẫn mai một vì bị xâm hại thì sẽ dần trở thành nơi hoang phế. Và khi bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. “Chúng ta cần bảo tồn nó như một di sản thiên nhiên đặc biệt, không chỉ của Quảng Bình, Việt Nam mà còn của thế giới” - ông Siêu nhấn mạnh. 
Dự án xây dựng tuyến cáp treo được công bố lập tức vấp phải “cơn bão” dư luận phản đối. Chỉ tính theo khảo sát của một báo điện tử, có tới 81% ý kiến phản đối. Trên một diễn đàn, những người yêu du lịch ở Việt Nam cũng như thế giới đã tiến hành một chiến dịch vận động ký tên bảo vệ hang Sơn Đoòng và vẻ đẹp nguyên sơ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 
Chiến dịch này đã thu hút 54.006 du khách, trong đó có nhiều chữ ký của du khách nước ngoài. Đa phần du khách khẳng định hang Sơn Đoòng không phải để dành phục vụ số đông. Nếu muốn cảm nhận hết giá trị của hang Sơn Đoòng thì phải tự trải nghiệm, khám phá, còn ngồi cáp treo đến sẽ thấy nó như một hang động bình thường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã đánh mất một niềm tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ được thế giới tôn vinh.
UNESSO sẽ thẩm định dự án
Sự việc Sơn Đoòng khiến cho dư luận liên tưởng đến rất nhiều di sản Việt Nam đang bị xâm hại, “bức tử”. Không ít cơ quan quản lý về di sản văn hóa nhưng các di sản vẫn bị đe dọa. Ví như, việc đào bới để bê tông hóa suối cổ Khe Thẻ, Mỹ Sơn; báo động về ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long, khai thác gỗ trái phép trong rừng Phong Nha- Kẻ Bàng; rồi nàng Tô Thị (Lạng Sơn), chùa Một Cột, nhà cổ Đường Lâm, đình Cựu Quán, lăng Ngô Quyền, chùa Trăm Gian, chùa Sổ (Hà Nội)... bị biến dạng kiểu “gieo vừng ra ngô”… 
Các vụ việc này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà chính các cơ quan quản lý văn hóa cũng đau đầu giải trình, rồi sửa sai. Sau đó, tất cả di tích trên rơi vào tình trạng “chằng chịt vết sẹo, chắp vá”. 
Trở lại dự án cáp treo Sơn Đoòng, lo lắng trước “số phận” của hang Sơn Đoòng nói riêng, Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung, TS Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, phía UNESCO đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để UNESSO thẩm định. Sau đó, UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia sang thẩm định để đưa ra kết luận dự án như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. 
Trên cơ sở đó, UNESCO đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam nên hay không nên thực hiện dự án. Thời hạn cuối là đến tháng 2/2015, tỉnh Quảng Bình phải có công văn giải trình về việc này.

Đọc thêm