Bảo tồn rừng cho du lịch bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rừng gắn với các loại hình du lịch là xu thế tất yếu của quá trình phát triển bền vững. Mối quan hệ đó ngày càng thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn thông qua những quyết sách, chỉ đạo của chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình, cũng như quyết tâm, hành động thực tế của các cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Người dân Nho Quan ngày càng có ý thức cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường. (Nguồn: Internet)
Người dân Nho Quan ngày càng có ý thức cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường. (Nguồn: Internet)

Quyết sách dẫn đường, hành động tiếp nối

Nhiều năm qua, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã nhấn mạnh quyết tâm phải bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững, đặc biệt trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch. Biểu hiện cụ thể là các quy hoạch du lịch, các đề án, dự án về du lịch, các hoạt động du lịch đều gắn bó chặt chẽ, mật thiết với các chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đơn cử, Đề án phát triển Du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp “Quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững”, trong đó nhiều lần nhấn mạnh vấn đề phát huy các giá trị di sản luôn gắn với bảo tồn thiên nhiên.

Với quan điểm, hoạt động du lịch sinh thái cũng là một trong những công cụ để bảo vệ thiên nhiên nên việc xây dựng các mô hình khai thác du lịch gắn với bảo vệ rừng được địa phương quan tâm, ngày càng trở nên phổ biến. Khu du lịch Tràng An được xây dựng trong lòng khu rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư, trong đó đất rừng núi, đất ngập nước chiếm hơn nửa. Trong khi đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cũng trải dài khoảng 80% diện tích trên địa hình rừng núi đá, còn lại có gần 20% diện tích là đất ngập nước. Các điểm đến nổi tiếng khác như Tam Cốc - Bích Động, Yên Đồng - Yên Thái và một số khu du lịch hang động khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đều nằm trong rừng. Như vậy, hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là tiền đề mà còn là nhiệm vụ thiết yếu, tiên quyết, mang tính sống còn đối với hoạt động du lịch tại những điểm đến này, đặc biệt đối với loại hình du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên.

Ngược lại, trong quy hoạch dự án về bảo vệ, phát triển rừng tại các khu rừng đặc dụng, cũng lồng ghép chương trình phát triển du lịch. Cụ thể, tại Kế hoạch số 39/KH-UBND về quản lý rừng bền vững tỉnh Ninh Bình năm 2023 nêu rõ một trong các nhiệm vụ quan trọng trong năm nay là xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại ba khu rừng phòng hộ Nho Quan, Kim Sơn, Gia Viễn. Theo đó, Kế hoạch cũng yêu cầu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân địa phương về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Tăng cường sự tham gia của chính quyền các địa phương và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Theo thống kê, tỉnh Ninh Bình có hơn 30.000ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm hơn 60%, độ che phủ của rừng chiếm gần 20% đất tự nhiên. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ. Việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có hơn 20 Ban lâm nghiệp xã được thành lập với nhiều nhân viên, tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Toàn bộ các thôn, bản có rừng đã xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

Thời gian gần đây, trong các khu rừng đặc dụng ở Ninh Bình có hoạt động du lịch, công tác bảo vệ rừng đã chuyển biến tích cực. Đơn cử như ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, du khách đến đây không chỉ để thưởng ngoạn, khám phá thiên nhiên, mà còn được hiểu biết thêm những giá trị của đa dạng sinh học, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng và công sức của những người làm bảo tồn. Một bộ phận nhân dân sinh sống xung quanh Vườn đã tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các khu rừng đặc dụng khác do tỉnh quản lý, có hoạt động du lịch sinh thái như Tràng An, Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, rừng đã được bảo vệ tốt, nay tình hình còn khá hơn. Bởi, người dân nơi đây trước kia là lực lượng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng lấy gỗ củi, phá núi lấy đá nung vôi, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã. Bây giờ họ sống nhờ vào du lịch. Vì vậy, họ phải bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan để du lịch phát triển, mang lại thu nhập ngày càng cao hơn.

Chính quyền và cộng đồng cùng “bắt tay”

Nhiều điểm đến tại Ninh Bình gắn bó mật thiết với rừng (Nguồn: Internet).

Nhiều điểm đến tại Ninh Bình gắn bó mật thiết với rừng (Nguồn: Internet).

Công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng gắn với du lịch bền vững cần tới quyết tâm và sự chung tay của toàn thể xã hội, từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đến từng người dân du khách. Thực tế cho thấy, những “cú bắt tay” toàn diện của tất cả các bên liên quan có thể đem đến nhiều kết quả đột phá, bảo đảm lợi ích “kép” cho cả môi trường và xã hội.

Du lịch Nho Quan là một điển hình. Nho Quan được biết đến là một địa phương có tiềm năng nổi bật về phát triển du lịch với nhiều loại hình như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cảnh quan, tâm linh, lễ hội… Trong đó, du lịch sinh thái, tham quan thắng cảnh tập trung chủ yếu tại Khu du lịch hồ Đồng Chương, Khu Kênh Gà - Vân Trình, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu công viên động vật hoang dã Quốc gia với các hang động (như động Thiên Hà và Hang Bụt trong núi Tướng là kỳ quan thiên nhiên rộng, sâu, có nhiều nhũ đá kỳ lạ), suối nước nóng, những cây cổ thụ ngàn năm tuổi và các trung tâm nghiên cứu, bảo tồn động, thực vật có nhiều nguồn gen quý hiếm...

Du lịch phát triển đồng nghĩa với việc gia tăng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên,... do đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của phát triển du lịch đến môi trường. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, huyện Nho Quan đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư khi tham gia vào các hoạt động du lịch gắn với việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường du lịch được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: treo băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng; trên truyền thông, mạng xã hội; khoá học, tập huấn về bảo vệ môi trường cảnh quan trong hoạt động du lịch; lồng ghép trong các phong trào thi đua, trong hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư…

Thông qua công tác tuyên truyền, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch. Đơn cử như: Định kỳ hàng tuần tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng cây xanh bảo vệ môi trường; phân loại rác thải ngay tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định… Đặc biệt, các địa phương trong huyện còn xây dựng, nhân rộng các mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, các tổ tự quản bảo vệ môi trường với các mô hình như: mô hình “Đoạn đường tự quản”; “Xây dựng lò đốt”; mô hình “Ngày thứ bảy tình nguyện” và “Ngày chủ nhật xanh”...

Nhìn chung, bằng phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng và những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như huy động được sức mạnh của nhân dân chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch còn có sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn, các khu dân cư lồng ghép các nội dung, tiêu chí bảo vệ môi trường với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng thời phân công cho các đoàn thể tổ chức các hoạt động phù hợp với tổ chức mình. Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; các chi hội, chi đoàn đứng ra tự quản từng khu vực, đoạn đường trong khu dân cư.

Đọc thêm