Văn hóa & Pháp luật

Bảo vệ bản quyền trên môi trường số: Ý thức tuân thủ pháp luật đóng vai trò quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn đề này được nhấn mạnh trong hội thảo phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức.

Thực tế cho thấy, nếu như ý thức tuân thủ pháp luật được nâng cao thì việc thực thi hiệu quả bảo vệ bản quyền trên môi trường số sẽ mang lại lợi ích cho không chỉ các bên khai thác sử dụng, các bên có chủ sở hữu quyền, mà còn cho công chúng hưởng thụ. Nhưng nếu như các bên cố tình vi phạm, lạm dụng trong việc khai thác sử dụng các môi trường này thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi, đến việc cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, hành vi này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thương mại của các chủ thể quyền cũng như bản thân các bên, khi đang trực tiếp hoặc tiếp tay vi phạm bản quyền, buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế cũng như trong nước.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt có các quy định về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số. Đây cũng là một điểm mới, đó là trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian đã được đưa vào các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước thì song song đó, Việt Nam đã tham gia vào hai Hiệp ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới là WCT (có hiệu lực thi hành từ ngày 17/2/2022) và WPPT (có hiệu lực từ 1/7/2022). Đây là các nghĩa vụ cam kết về bản quyền trên khuôn khổ thế giới.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, hiện nay Chính phủ giao Bộ VH,TT&DL chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có các nội dung về trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.

Mục đích ban hành Nghị định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và Nghị định quy định chi tiết, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Bên cạnh đó, tiếp tục thể chế hóa, nội lực hóa các cam kết mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, để phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 7 chương, 80 điều. Trong đó, Chương I - Quy định chung; Chương II - Quyền tác giả, quyền liên quan; Chương III - Giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương IV - Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; Chương V - Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VI - Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VII - Điều khoản thi hành.

Đọc thêm