Bảo vệ dân phố "vượt quyền"

 Báo chí đã không ít lần phản ánh tình trạng “vượt quá thẩm quyền” của những bảo vệ dân phố (còn gọi là “dân phòng”). Thậm chí, có không ít trường hợp, dù “không phải nhiệm vụ, vẫn làm” của một số bảo vệ dân phòng đã dẫn đến những hậu quả, gây bất bình trong dư luận.
Báo chí đã không ít lần phản ánh tình trạng “vượt quá thẩm quyền” của những bảo vệ dân phố (còn gọi là “dân phòng”). Thậm chí, có không ít trường hợp, dù “không phải nhiệm vụ, vẫn làm” của một số bảo vệ dân phòng đã dẫn đến những hậu quả, gây bất bình trong dư luận.

Căn cứ vào Điều 5 (nhiệm vụ của Bảo vệ dân phố) và Điều 6 (quyền hạn của Bảo vệ dân phố) Nghị định số 38/2006/NĐ-CP (ngày 17/04/2006) của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố, thì những người làm công tác bảo vệ dân phố chỉ được “kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách”.

Vậy mà mới đây, không hiểu vì quá nhiệt tình trong công việc hay nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của mình, một người được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ dân phố (còn gọi là dân phòng) ở một phường của quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn điềm nhiên chặn xe, đòi kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông. Nực cười là dân phòng này “kiểm tra giấy tờ” người dân khi công an phường đó cũng có mặt, mà không hề được nhắc nhở về nhiệm vụ, quyền hạn.

Đây không chỉ đơn thuần là vụ việc sai phạm của một bảo vệ dân phố, mà còn phản ánh về thực tế thiếu hiểu biết pháp luật của người dân. Bởi, trước một số “mệnh lệnh” phi lý của dân phòng, nhiều người dân đành “ngoan ngoãn” thi hành vì không biết qui định về quyền hạn và nhiệm vụ của bảo vệ dân phố. Một số người khác lại “không dám cãi” vì chỉ “ngờ ngợ” về tính hợp pháp của các “mệnh lệnh”, yêu cầu của những bảo vệ dân phố. Và sau mỗi lẫn “chấp hành” như vậy, người dân càng thêm ác cảm với lực lượng bảo vệ dân phố.

Như vậy, chính thái độ “chấp hành không phản ứng” do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân cũng là một trong những nguyên nhân thực tế khiến các bảo vệ dân phố không phải “lăn tăn” khi thực hiện những hành vi nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật qui định.

Qua thực tiễn này, cần quan tâm hơn nữa đến việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, cũng như chính những người có nhiệm vụ tham gia vào lực lượng hỗ trợ cho công an địa phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội như các bảo vệ dân phố.

Cứ để tái diễn những hành vi vi phạm pháp luật như trường hợp nêu trên sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của pháp luật và hình ảnh của những người thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công đồng.

D.G.

Đọc thêm