Bảo vệ, phát huy di sản bằng số hóa- chi phí thấp, hiệu quả cao

(PLVN) - Chỉ cần “lướt chuột”, giới trẻ có thể chiêm ngưỡng các bảo tàng ảo tương tác, Nhà hát Lớn ảo, phục dựng phố cổ Hà Nội; phố cổ Hội An; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; chùa Bái Đính… bằng công nghệ 3D được nhiều người yêu văn hóa khám phá, thích thú. Số hóa di sản sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát được sự hư hỏng, xuống cấp của các di tích một cách chi tiết; bảo đảm độ chính xác trong tu bổ, tôn tạo. 
Chùa Bái Đính sử dụng công nghệ số hóa.
Chùa Bái Đính sử dụng công nghệ số hóa.

Tham quan trên không gian ảo 

“Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội” kéo dài khoảng 15 phút, được để ở chế độ tự động với các cảnh quay độc đáo cung cấp cho khách tham quan kiến thức phong phú về quá trình xây dựng, những nét độc đáo của kiến trúc Nhà hát, tiến trình hiện đại hóa sân khấu và âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XX; cuộc đời và đóng góp của nhà viết kịch Vũ Đình Long - cha đẻ của ngành kịch nói Việt Nam và ông Claude Bourrin - Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là sản phẩm đặc trưng của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cho phép đông đảo những du khách quan tâm trên khắp thế giới chiêm ngưỡng và yêu mến một trong những công trình kiến trúc độc đáo và đẹp đẽ hàng đầu của châu Á.

Nhạc nền của chuyến du ngoạn ảo này là những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Pháp, lời thoại giới thiệu về từng điểm đến tham quan được biên soạn công phu bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, kết hợp với những hình ảnh hiếm thấy.

Ngoài Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã “trình làng” bảo tàng ảo tương tác 3D lần đầu tiên được ứng dụng cho việc giới thiệu hai khu trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đây được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.

Ngoài việc được thưởng ngoạn gần 150 hiện vật hiện đang được giới thiệu tại hai khu vực trưng bày của bảo tàng, công chúng còn được bổ sung những thông tin cô đọng, súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, video-clip… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được.

Phố cổ Hà Nội xưa cũng được khắc họa tinh tế trong những tác phẩm đồ hoạ của Dự án “Phục dựng phố cổ Hà Nội bằng 3D”, thực hiện bởi Nhóm 3D Hà Nội, có thể khiến nhiều người rung động đến nao lòng khi chiêm ngưỡng phố phường Hà Nội, tháp Rùa, cầu Thê Húc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những gánh hàng hoa, phu kéo xe...

Dựa trên các công nghệ hiện đại, nhóm thực hiện dự án đã có sự khảo cứu nghiêm túc các tư liệu lịch sử về Hà Nội để có thể tái hiện một cách chân thực và sinh động nhất không gian văn hoá của Thủ đô cách đây hơn thế kỷ.

Bảo tàng ảo tương tác 3D, Nhà hát Lớn ảo, phục dựng phố cổ Hà Nội bằng 3D…  là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền về những giá trị văn hóa, mang chúng đến với khách tham quan một cách thuận lợi, đa dạng.

Dù vẫn biết rằng không thể thay thế cảnh thật nhưng di sản 3D sẽ gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến tận nơi để xem xét thực tế. Và cũng nhờ đó nét đẹp văn hóa, lịch sử, kiến trúc, con người Việt Nam được lan tỏa khắp nơi. 

Nhiều thuận lợi trong công tác bảo tồn

3D hóa di tích được sự quan tâm của các nhà quản lý bởi nó đem lại lợi ích ở rất nhiều mặt. Đặc biệt là số hóa 3D là bước tiến mới, sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát được sự hư hỏng, xuống cấp của các di tích một cách chi tiết; bảo đảm độ chính xác trong tu bổ, tôn tạo. 

Các di sản Việt như: chùa, đình từ nay sẽ trường tồn trong không gian 3D. Người quản lý, tu bổ sẽ luôn có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh. Người nghiên cứu thỏa thích bóc tách, đo vẽ cấu kiện, xem bản dập của cả khu di tích. Những bản sao 3D chất lượng cao như tòa đình này còn là sự phòng ngừa cho các di sản quí trước cuộc sống biến động, là hàng rào kỹ thuật ngăn trùng tu ẩu... 

Google Arts and Culture công bố mở rộng dự án “Di sản Mở” bằng việc bổ sung thêm một bộ sưu tập những câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới. Đáng chú ý trong đó có phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức.

Được biết, câu chuyện về việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và Lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.

Ngoài những hình ảnh di tích được quay, chụp từ bên trong và bên ngoài lẫn trên cao từ flycam, đội ngũ chuyên gia còn dùng cả máy quét laser cùng tái hiện chính xác hơn các khắc họa bề mặt cũng như các chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu lăng và điện với video cũng như ảnh 360 độ.

Trước đó, đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) nằm sát nội đô nhưng “xưa cũ như trong cổ tích”, là di tích đầu tiên được lưu giữ, trưng bày nguyên trạng bằng công nghệ tương tác 3D. Đặc biệt hơn, tác giả của công trình này là Nguyễn Trí Quang thuộc thế hệ 9x, từng được những người yêu di sản biết tới với Bảo tàng linh vật ảo 3D, giúp quảng bá linh vật Việt. Để thực hiện công trình ảo này, Quang mất hơn 2 năm thử nghiệm và 4 tháng gấp rút thi công, nhiều lần tưởng như bỏ cuộc. 

Với hàng chục nghìn điểm đặt máy, đưa lại hình ảnh trọn vẹn ngôi đình ở nhiều góc cạnh: nhìn từ trên cao xuống, từ dưới thấp lên, xem bản rập, mặt cắt ngang, cắt dọc... Công trình giúp lưu giữ nguyên trạng, tạo ra “bảo hiểm” về kỹ thuật cho di tích giá trị này.

Xem công trình 3D đình Tiền Lệ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình vui mừng chia sẻ: “Tôi từng nghiên cứu nhiều di tích và nhiều khi vất vả đo đạc, chụp ảnh, rồi sau đó cũng không thể có cái nhìn tổng thể về di tích. Do vậy, bảo tồn nguyên trạng trong môi trường số rất có ý nghĩa”. 

Nhận định về việc số hóa di sản, quan điểm của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia nghiên cứu văn hóa di sản cho thấy, việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi lẽ, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp bảo tồn khác; cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều rất sống động, thu hút.

Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ. Với phương pháp số hóa, chúng ta có thể tiến hành với các di sản vật thể, phi vật thể đến các di sản phức hợp như lễ hội, các kỹ năng gắn liền với các nghệ nhân…

Đọc thêm