Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa.
Quyền lợi của NTD trên không gian mạng đang được bảo vệ chặt chẽ. (Ảnh minh họa)
Quyền lợi của NTD trên không gian mạng đang được bảo vệ chặt chẽ. (Ảnh minh họa)

Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng.

Nhiều giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), xu hướng mua bán trực tuyến gia tăng đồng nghĩa với việc hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại cũng gia tăng, người tiêu dùng (NTD) đối diện với vấn nạn hàng kém chất lượng cũng tăng lên. Bảo vệ NTD trên không gian mạng đang là vấn đề mà nhiều bộ, ngành liên quan quan tâm và lưu ý.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục QLTT gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận TMĐT là 222 triệu đồng.

Các chủ sàn TMĐT lớn ở Việt Nam cũng đã thiết lập các kênh bảo vệ NTD khá hiệu quả. Chị Hà Nguyên Anh (Hà Nội) đánh giá, mua sắm trực tuyến ở những trang TMĐT có giấy phép và hoạt động đúng quy định của pháp luật hiện nay thực sự yên tâm. Chia sẻ về một lần mua một chiếc đồng hồ trị giá khoảng vài triệu trên một sàn TMĐT lớn nhưng gặp phải hàng rất kém chất lượng khi đồng hồ bong tróc, khuy cài thì bật… chị Nguyên Anh mới thực sự tin tưởng việc bảo vệ NTD khi mua bán trên mạng đã được thiết lập khá chặt chẽ.

Chị cho biết, ngay sau khi chị gọi cho tổng đài của sàn TMĐT này để phán ánh, chị được hướng dẫn các bước để khiếu nại và yên tâm chờ người của sàn đến nhận lại hàng. Sau khoảng 4 ngày làm việc (kể từ ngày trả lại hàng), tài khoản chị nhận lại được số tiền chị đã bỏ ra khi mua phải “hàng lởm”. Trải nghiệm mua hàng trực tuyến của chị Nguyên Anh cũng là trải nghiệm mà nhiều NTD khác đã từng qua…

Chị Lưu Thị Phượng - một chủ gian hàng trên sàn TMĐT khẳng định, hiện giờ, chủ sàn TMĐT luôn đặt quyền lợi của NTD lên hàng đầu. Bản thân các chủ gian hàng khi tiến hành kinh doanh trên sàn TMĐT đều phải tuân thủ các quy định bảo vệ NTD của các chủ sàn. Cụ thể, hiện giờ, khi tiến hành kinh doanh trên các sàn TMĐT thì chủ gian hàng phải chấp nhận chuyện nhận tiền hàng muộn hơn thời điểm giao hàng khoảng 3 ngày “để chờ xem NTD có phản hồi gì về hàng hóa không”, sau 3 ngày NTD không phản ánh gì thì sàn TMĐT mới chuyển tiền cho chủ gian hàng.

Không chỉ các sàn TMĐT, Tiktok - kênh bán hàng trực tuyến đang lên ngôi cũng có chính sách bảo vệ khách hàng khá triệt để khi đặt vị trí của khách hàng “thực sự là thượng đế”. Thậm chí, nhiều chủ hàng trên Tiktok khi giao hàng cho khách hàng luôn kèm theo lời dặn dò “nếu khách hàng không ưng ý món hàng hoặc có phản ánh gì về chất lượng hàng hóa, xin liên hệ trực tiếp với chủ shop để phản hồi và đàm phán (nếu cần). Mong khách hàng chưa đánh dấu trải nghiệm 1* (trải nghiệm không tốt) trên kênh Tiktok”.

Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, hiện các chủ sàn TMĐT cũng đã rất chú trọng trong việc bảo vệ NTD. Tuy nhiên, NTD cần lưu ý mua hàng tại các trang bán hàng có giấy phép thì quyền lợi mới được đảm bảo. Nếu NTD mua hàng tại các trang mạng trôi nổi, những tài khoản mạng xã hội có thể lập và xóa bất kỳ lúc nào thì đương nhiên quyền lợi sẽ khó đảm bảo hơn, nhất là khi mua món hàng giá trị.

Chú trọng tăng cường nguồn lực, năng lực

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, hiện công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể như tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, nâng số lượng tiếp nhận cuộc gọi hàng năm hơn 15.000 cuộc gọi, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. Đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD.

Ngoài ra, hàng triệu NTD cũng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường TMĐT.

Đáng chú ý, các hoạt động liên quan đến tuyên truyền về việc bảo vệ quyền lợi NTD đã được mở rộng phạm vi địa lý và hướng tới các đối tượng là NTD có đặc điểm riêng như sinh viên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số… Chú trọng kết nối với địa phương, kêu gọi sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để tranh thủ tối đa các nguồn lực…

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của NTD, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.

Đọc thêm