Bệnh tâm lý ở trẻ gia tăng
Một nghiên cứu tại Đại học Calgary (Mỹ) phân tích mối nguy hiểm về vấn đề sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ em. Theo các cuộc phân tích, các chuyên gia nhận định trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng xem TV nhiều nhất với 25% thời gian mỗi ngày. Trong khi đó, trẻ em từ 2-5 tuổi lại chuộng các thiết bị điện tử như máy tính bảng và điện thoại di động nhiều hơn.
Các em nhỏ có độ tuổi trung bình khoảng 6-8 tuổi có nhiều khả năng mắc các vấn đề về hành vi như cáu kỉnh, dễ tăng động và kém chú ý, trong khi những trẻ lớn hơn có thể mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và kém tập trung. Tỷ lệ xuất hiện những triệu chứng này tăng lên theo thời gian và đặc biệt cao ở những trẻ em dành từ 9 giờ trở lên để sử dụng các thiết bị điện tử.
Bước qua đại dịch, những di chứng nặng nề đến tâm lý trẻ là điều nhận thấy rõ ràng trong các gia đình hiện nay. Trong giai đoạn dịch COVID-19 từ cuối năm 2020, thế giới cũng đã chứng minh được rằng những tổn thương về sức khỏe, tinh thần đặc biệt đối với trẻ em, và vị thành niên đã tăng lên gấp 5 đến 7 lần so với bình thường.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân trẻ đến khám tại các cơ sở điều trị tâm lý đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến kéo dài. Trong đó, có trường hợp bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình. Quan trọng là chính các em cũng chưa nhận thức được về sức khỏe tinh thần, chưa biết cách bày tỏ vấn đề đó với cha mẹ, vì thế đã làm cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần của các em trầm trọng hơn.
Một trong những thách thức gần 2 năm nay, các em học sinh phải đối mặt với tâm lí lo lắng, bị “nhốt” ở nhà loanh quanh trong không gian chật hẹp, tự chơi với các đồ vật, điện thoại, máy tính,… khiến cho nhiều trẻ đã gặp phải vấn đề về tâm lí khác nhau.
Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh tâm lý liên quan đến mạng xã hội ngày càng gia tăng. |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết: “Có một trường hợp học sinh 7 tuổi cũng ở Hà Nội, cháu bị chứng “nghiện” thiết bị điện tử, ban đầu là chơi game và khi bố mẹ nhắc nhở thu lại điện thoại thì cháu bị kích động, la hét đập phá. Hoặc gần đây có cháu 8 tuổi, bị ở nhà lâu ngày nên thường hay xem phim, thời gian gần đây cháu xem nhiều quá, ám ảnh bởi phim ma dẫn đến luôn miệng nhắc đến tên nhân vật trong phim. Cha mẹ của bé đã không cho mở lại bộ phim đó nữa nhưng cậu bé vẫn không thể quên được, vẫn luôn ngủ mơ với tình trạng hoảng hốt”.
Bạo lực trên không gian số với trẻ cũng là điều đáng lo ngại. Những người bạn trên mạng xã hội dễ khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn. Những kẻ bắt nạt có thể phát tán những lời nói và hình ảnh bạo lực, gây tổn thương và hạ nhục trẻ chỉ bằng một lần nhấn phím. Bạo lực tuy xảy ra trên không gian ảo, nhưng sẽ để lại hậu quả thực. Nghiên cứu cho thấy các nạn nhân của bắt nạt trực tuyến có nguy cơ sử dụng rượu bia, ma túy và trốn học cao hơn các học sinh khác. Các em còn có khả năng bị điểm kém, cảm thấy tự ti về bản thân và gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bắt nạt trực tuyến còn dẫn đến tự tử.
Không chỉ với nhóm trẻ nhỏ, nhóm trẻ vị thành niên cũng gặp nhiều vấn đề tương tự. Gần đây, các nhà tâm lý học đã nhận thấy một làn sóng các cô gái vị thành niên khẳng định bản thân mắc các chứng rối loạn tâm lý, và thậm chí là cả những căn bệnh hiếm gặp ở độ tuổi của họ, như tâm thần phân liệt (schizophrenia). Điểm chung giữa các cô gái này là: Xem nhiều nội dung về sức khỏe tâm thần trên Tik Tok.
Theo Tiến sĩ Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego (Mỹ), sự bùng nổ các nội dung liên quan đến sức khỏe tâm thần trên Tik Tok là một dạng lây lan tự phát của hành vi hoặc cảm xúc trong xã hội (social contagion), thông qua hội nhóm hoặc các mạng lưới. Thực trạng sức khỏe tinh thần ở người trẻ ngày càng đi xuống, cùng với việc sử dụng điện thoại di động rộng rãi, đã dẫn đến một trào lưu mới mà nhà báo Schlott gọi là một “đại dịch đáng sợ” về sức khỏe tâm thần.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con khám phá không gian số. |
Bảo vệ con khỏi không gian độc hại
Trẻ em từ khi bắt đầu sử dụng mạng internet là đã bắt đầu trở thành một “công dân số”, tiếp cận với cả lợi ích và cả những rủi ro như bất kỳ một công dân nào. Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng mạng internet một cách “vô thức”, không được trang bị kỹ năng sẽ dẫn đến những rủi ro, tác động xấu đến nhận thức của trẻ sau này.
Để bảo vệ con trẻ trước những tiêu cực trên mạng xã hội, phụ huynh cần lựa những gì tốt nhất để chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho con em về những thứ diễn ra trên mạng xã hội ngày nay. Với những trường hợp trẻ bị tác động tâm lý nặng nề do tác động mạng xã hội, bác sĩ Thu cho rằng: “Nếu muốn khỏi nhanh cần dùng thuốc điều trị hoặc sẽ phải dùng biện pháp trị liệu tâm lí từ từ, kết hợp dùng nhiều hoạt động khác ngoài môi trường như chơi thể thao, vui đùa cùng các bạn,… để lôi kéo trẻ thoát khỏi hiện tượng “nghiện” đó, nhưng sẽ rất lâu và gia đình phải thật kiên trì. Tôi có lời khuyên cho các bậc cha mẹ phải dành thời gian để ý đến con trẻ, tránh bỏ mặc chúng, dẫn đến những hậu quả rất khó khắc phục trong ngày một ngày hai. Tôi nhắc lại là phải quan tâm”.
Bác sĩ Thu tư vấn: “Để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ. Ví dụ: Trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần sớm”.
Bảo tàng số là hoạt động có thể giúp trẻ em khám phá an toàn, lành mạnh. |
Ông Đỗ Kiên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Thực tế trên môi trường mạng internet hiện nay, các công ty bảo mật đã phát hiện nhiều mã độc, phần nhiều là liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Nhiều nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi trong các video, trò chơi online. Do đó, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, phụ huynh cần cài đặt chế độ kiểm soát, tìm kiếm an toàn trên trình duyệt, cài đặt bảo mật riêng tư trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến. Đồng thời hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn cũng như cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm”.
Cha mẹ cần nhắc nhở con cẩn trọng với những người mới quen trên mạng. Nếu chưa từng gặp mặt thì con không được cung cấp các thông tin riêng tư như số nhà, trường học, lớp học, số điện thoại. Nếu con hẹn gặp những người bạn quen từ trên mạng thì cần có cha mẹ hay người lớn đáng tin cậy đi cùng. Cha mẹ hãy nhắc nhở con cư xử tử tế với bạn bè trên mạng như khi ở ngoài đời thật. Có thể con không ác ý khi bình luận vui về ngoại hình hay tính cách của người khác nhưng những lời đó có thể khiến họ tổn thương sâu sắc. Trẻ em luôn có xu hướng quan sát hành động của mọi người xung quanh và bắt chước theo. Vì vậy, các phụ huynh nên giới hạn thời gian sử dụng điện thoại khi ở bên con và thay bằng các thói quen bổ ích như đọc sách, kể chuyện, chơi đùa cùng bé.
Không gian số là nơi con trẻ sẽ học hỏi và khám phá được rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đồng hành cùng các con trẻ trong hành trình này và bảo vệ sức khoẻ tinh thần cho trẻ.