Vì sao nghiện ma túy Tổng hợp gia tăng?
Người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp có nguy cơ lệ thuộc cao hơn cũng như gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn do ở độ tuổi não bộ vẫn đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện các chức năng, đặc biệt đối với nhóm thiếu niên. Phần lớn nguyên nhân dẫn tới hành vi sử dụng ma túy tổng hợp sớm ở người trẻ thường xuất phát từ sang chấn tâm lý do các biến cố tuổi thơ gây ra như: bố mẹ ly hôn, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, có người thân sử dụng ma túy, cảnh sống cơ cực,...
Bên cạnh đó, quan niệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay cho rằng phải sử dụng ma túy tổng hợp mới sành điệu, thời thượng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng ma túy tổng hợp chỉ tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn tức thời, không gây nghiện nên sử dụng rất an toàn. Sử dụng ma túy tổng hợp ở mức độ sử dụng thường xuyên và liều lượng cao, người sử dụng sẽ gặp phải vấn đề như lo âu, kích động, tim đập nhanh, nghiến răng và một số rối loạn tâm lý khác.
Theo số liệu của cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc UNODC. Xu hướng sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp tại Việt Nam ngày càng gia tăng: năm 2011 có khoảng 1,5% người dùng ma túy ở Việt Nam sử dụng ampetamine (ATS) , năm 2016 con số này đã lên đến gần 10%.
Có nhiều người cho rằng giảm người sử dụng là biện pháp duy nhất để ứng phó với tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, tuy nhiên thực tế không hẳn vậy. Theo TS Nicole Lee, chuyên gia hàng đầu về ATS tại Úc cho biết: ngay cả khi số lượng người dùng ATS tại Úc đã giảm từ 4% xuống còn 1,4% dân số trong khoảng từ năm 1998 đến năm 2016, thì quốc gia này vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng khi ngày càng có nhiều dạng chất mạnh của ATS được sử dụng.
Nghiện ma túy tổng hợp vẫn có thể cai nghiện thành công
Theo TS Nicole Lee, người sử dụng ma túy đá phần lớn sẽ sử dụng giảm dần sau một thời gian, có nhiều người ngừng sử dụng. Nhóm người sử dụng nhưng chưa lệ thuộc sẽ chưa có các rối loạn tâm thần, tuy nhiên cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc giúp giảm tác hại của việc sử dụng, phòng tránh trường hợp sử dụng quá liều “ngáo đá” và sốc thuốc.
Trên thực tế hiện nay, do kỳ thị xã hội và quan điểm tiêu cực của truyền thông về người sử dụng ma túy tổng hợp nên phải mất trung bình từ 5-6 năm thậm chí lâu hơn khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng thì họ mới tìm đến hỗ trợ và điều trị. Điều trị cho người sử dụng ma túy đá phức tạp hơn so với điều trị người sử dụng heroin do thời gian cắt cơn, phục hồi dài hơn.
Nói rõ hơn về vấn đề này, bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết: “Phác đồ điều trị cho những người sử dụng ma túy tổng hợp thì có, chỉ là không phải phác đồ bằng thuốc, việc bây giờ cần làm là phải chia sẻ thông tin rộng rãi về ma túy tổng hợp để cho những người sử dụng biết được tác hại của nó và biết cách làm thế nào nếu như sử dụng để đỡ gây hại. Hơn nữa để cho những người có trách nhiệm làm can thiệp biết cách để can thiệp, điều trị không gây ra tình trạng hoang mang, sợ hãi trong người dân.
Nhiều người vẫn nghĩ điều trị là cho thuốc uống nhưng đối với ma túy tổng hợp vấn đề không phải là uống thuốc mà là điều trị bằng các liệu pháp về tâm lý, về hành vi, nó không phải là quá phức tạp mà vấn đề là những người làm công tác trị liệu này cần phải được đào tạo. Hiện nay có ba phương pháp kỹ thuật sử dụng trong điều trị đó là: can thiệp ngắn, phổ vấn tạo động lực, liệu pháp nhận thức hành vi. Tất cả liệu pháp này là sự trò chuyện để giúp người sử dụng nhận thức được tác hại, nguy hiểm khi sử dụng ma túy tổng hợp,... qua đó giúp họ tự nhận thức, tự biết cách thoát khỏi những tình huống nguy hiểm khi sử dụng”, bà Oanh nhấn mạnh.
Nhiều chương trình can thiệp giảm hại trong nhóm đối tượng sử dụng ATS chưa hiệu quả
Tại Hội thảo: “Can thiệp trong lĩnh vực y tế cho người sử dụng ma túy trong tình hình mới” tại TP Hải Phòng do Cục Phòng chống AIDS Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng tổ chức hôm qua (25/6), ThS. Cao Kim Thoa, Phó Phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng chống AIDS Việt Nam cho hay, tính đến cuối năm 2017, cả nước đã ghi nhận 222.582 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.131 trường hợp so với năm 2016). Một số địa phương có tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp lên tới trên 80% như: Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị… Tuy nhiều chương trình can thiệp giảm hại trong nhóm đối tượng này đã được triển khai nhưng hiệu quả không như mong muốn do cai nghiện bắt buộc và các hình thức điều trị có giam giữ không thấy có hiệu quả trong đáp ứng với ATS; Người sử dụng ATS thường không nhận thức nguy cơ và vấn đề sức khỏe của chính mình, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến sử dụng dịch vụ chăm sóc hỗ trợ…