Sản phẩm đơn điệu
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang là tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng và cá tra, nhưng lại gặp nhiều khó khăn gây nên tâm lý bất an cho người nuôi và cản trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nuôi và xuất khẩu cá tra trên địa bàn. Giá cá tra nguyên liệu biến động theo chiều hướng giảm trong thời gian dài, vốn đầu tư, quy mô cũng giảm đáng kể, liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, doanh nghiệp - doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả...
Trước thực trạng đó, tỉnh An Giang mong muốn tìm giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm cá tra và xây dựng hình ảnh cá tra chất lượng cao, phát huy tiềm lực kinh tế chung của toàn vùng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đánh giá, hạn mặn, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành hàng cá tra. Trong năm 2016, việc nuôi và sản xuất cá tra có nhiều biến động. Nhưng sau quá trình cải thiện nước ngọt và sự cố gắng của công tác giống, phát triển thị trường, ngành hàng này đã phục hồi được đà tăng trưởng so với năm 2015. Vì thế, năm nay cần có sự tổng kết rút kinh nghiệm.
Ông Cường khẳng định, cá tra là một trong những sản phẩm lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là một trong những nhóm xuất khẩu đầu tiên của nông sản Việt Nam (cá tra Việt Nam cung ứng 90% sản lượng toàn cầu). Nhưng tình hình hiện tại quá bấp bênh, bị các ngành hàng khác vượt qua. Từ đó cần phải từng bước xây dựng, phát huy đúng lợi thế ngành này.
Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), cá tra chiếm 32% sản lượng thủy sản cả nước. Tính đến tháng 11/2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt hơn 4.550ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Xuất khẩu sang 140 thị trường, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Tuy nhiên, hiện tại các địa phương, doanh nghiệp đều phản ánh hiện nay chất lượng giống rất kém so với trước, tỷ lệ hao hụt cao (30 - 40%), sản phẩm quá đơn điệu, đa số là cá tra phi lê.
“Đặc biệt, vấn đề lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Cần tạo ra dòng sản phẩm cao cấp để thay đổi hình ảnh cá tra Việt Nam. Đồng thời, chặt chẽ trong quản lý sản xuất, phát triển thị trường, hệ thống phân phối bán lẻ lâu dài”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng cá giống
Vấn đề đặt ra là phải xây dựng và phát triển hệ thống cá giống an toàn, chất lượng, giảm giá thành cung ứng cho toàn vùng. Bàn về vấn đề này, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hùng Vương cho biết, quyết tâm hạ giá thành là hoàn toàn có thể, tuy nhiên phải có chính sách quản lý một cách chặt chẽ của Nhà nước. Con giống phải tốt thì cá mới có chất lượng tốt, cạnh tranh, giảm giá thành.
“Thời gian tới, Tập đoàn Hùng Vương sẽ thí điểm tại An Giang từ 50.000 đến 80.000 tấn cá, không cần sự tham gia, hỗ trợ của ngân hàng, nhưng địa phương phải chọn được vùng nuôi đặc thù về sông nước và những nông dân có uy tín. Về phía Tập đoàn Hùng Vương sẽ cung cấp thức ăn cho vùng nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra”, ông Minh khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, muốn tăng trưởng ngành này thì đòi hỏi phải có vốn đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị.
Tương tự, bà Đặng Thị Thương - Công ty CP Vĩnh Hoàn cho hay, diện tích nuôi cá giống không đủ cung cấp cho toàn bộ hệ thống nên phải mua ngoài chất lượng không được đảm bảo. Từ đó, đề nghị Nhà nước xây dựng vùng giống tập trung để đảm bảo đúng quy định và đúng chuẩn chất lượng.
Ông Hồ Văn Vàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp nên đoàn kết giữ vững giá bán, tránh trường hợp ép giá người dân và phải đầu tư như thế nào để người dân có lợi nhuận từ 1.000 - 1.500 đồng/kg nhằm ổn định cuộc sống.