Bấp bênh số phận công dân châu Âu tại Anh

(PLO) - Khoảng 3,5 triệu người dân châu Âu hiện sống và làm việc tại Anh đang phải đối mặt với tương lai bấp bênh sau khi nước Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số các công dân EU sinh sống tại xứ sở sương mù, có khoảng 2 triệu người đang làm việc, còn lại là những người đã nghỉ hưu, đang tìm việc làm hoặc là sinh viên. 

Sợ phân biệt đối xử

Với việc nước Anh thông báo chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 vừa qua, người ta chưa thể biết liệu sau khi Brexit diễn ra thì các đối tượng trên có còn duy trì được các quyền lợi vốn vẫn được EU đảm bảo cho đến nay hay không. Nhiều nghị sĩ châu Âu đã bày tỏ lo lắng về khả năng các công dân EU tại Anh sẽ gặp phải tình trạng bị phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch. 

Quyền của công dân một nước châu Âu được làm việc tại một nước thành viên khác thuộc EU là một trong những nền tảng hội nhập của châu Âu. Từ trước đến nay, các công dân châu Âu cũng được phép có cùng điều kiện làm việc với công dân nước sở tại như giới hạn số giờ làm việc tối đa mỗi tuần, qui định về mức lương tối thiểu, số ngày nghỉ phép cũng như các cơ chế bảo vệ người lao động chống lại các hành động phân biệt đối xử… 

Các qui định trên rất có thể sẽ bị thay đổi sau khi nước Anh chính thức rời EU, khi đó người sử dụng lao động hoàn toàn có thể từ chối một ứng cử viên nộp đơn xin việc chỉ vì lý do quốc tịch. Nghị sĩ châu Âu người Czech Kateřina Konečná đánh giá rằng trong trường hợp tồi tệ nhất, công dân của các nước EU thậm chí có thể đứng trước nguy cơ mất quyền tiếp cận vào thị trường lao động của Anh. Họ có thể bị hạn chế bởi các qui định chặt chẽ hơn và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm một việc làm tại Anh. 

Lo lắng về việc công dân châu Âu mất quyền tiếp cận vào thị trường việc làm tại Anh, nghị sĩ châu Âu người Czech Martina Dlabajová đã cảnh báo rằng tại Anh, ngành kinh doanh khách sạn là một trong các lĩnh vực đang phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động nhập cư. Nếu chính phủ Anh không cho phép người lao động châu Âu tiếp tục làm việc tại nước này, ngành này sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng và có thể phải cần tới mười năm để đào tạo nguồn thay thế cho lực lượng này. 

Nan giải nhiều vấn đề

Khó khăn mà các công dân châu Âu sinh sống tại Anh có thể phải đối mặt nhiều khả năng sẽ không chỉ chỉ giới hạn trong vấn đề việc làm. Công dân châu Âu hiện được hưởng nhiều lợi ích ở nước Anh như được tham gia hệ thống hưu trí, có cơ hội học tập, đăng ký các loại hình bảo hiểm hay được vay tiền từ các ngân hàng.

Hiện tại đã xảy ra tình trạng một số ngân hàng ở Anh từ chối cung cấp các khoản vay mua nhà cho các công dân nước ngoài vì lý do họ không biết hệ thống luật lệ liên quan trong tương lai sẽ thay đổi ra sao. Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Román Escolano tuyên bố rằng chưa kể đến vấn đề Brexit, chỉ với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy cùng thái độ ít thân thiện từ phía chính quyền mới của Mỹ cũng đã đủ gây cho EU quá nhiều vấn đề nan giải. 

Trước bộn bề những lo lắng, vẫn tồn tại kỳ vọng về một tương lai không quá ảm đạm của các công dân châu Âu đã sống và làm việc tại Anh trước sự kiện Brexit. Đại biểu Kateřina Konečná đánh giá một cách lạc quan rằng những người châu Âu sống tại Anh trước khi Brexit xảy ra, về cơ bản, có khả năng sẽ vẫn giữ được những quyền lợi mà họ đang có hiện nay như quyền lao động hay quyền được hưởng hệ thống an ninh xã hội ở nước sở tại.

Về phần mình, nghị sĩ Martina Dlabajová cũng bày tỏ tin tưởng những người từng làm việc tại Anh trước đây sẽ không bị mất các quyền lợi mà họ đã và đang được hưởng. Bà Martina Dlabajová nhắc lại rằng chính Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố nước này sẽ chỉ siết chặt qui định đối với các trường hợp sẽ nhập cư vào Anh sau khi nước này quyết định rời EU, còn quyền lợi của những người từng sống và làm việc tại Anh trước khi khởi động Brexit vẫn được giữ nguyên như hiện nay. 

Nghị sĩ Kateřina Konečná cho biết Nghị viện châu Âu đang cung cấp hàng trăm trang phân tích với hàng loạt danh sách về các quyền, luật cùng những qui định khác sẽ bị tác động bởi sự kiện Bexit, còn nghị sĩ Martina Dlabajová cho rằng cách tốt nhất để công dân các nước EU có thể giữ được các quyền lợi hiện nay là xin nhập quốc tịch Anh vì những người đã ở đảo quốc trong thời gian ít nhất 5 năm có quyền làm đơn xin nhập tịch. Và đối với nhiều trường hợp trong số này, đây gần như là cách duy nhất có thể giúp đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư cũng như các quyền lợi kinh tế của họ tại Anh. 

Khi các cuộc đàm phán về các thỏa thuận của Anh với EU chưa kết thúc, tương lai của công dân châu Âu sống tại Anh cũng như những người dự định đến đây lập cư còn rất khó đoán định. Theo kế hoạch đã được vạch ra, những nội dung này sẽ phải được đàm phán trong 2 năm, tuy nhiên điều này rất có thể sẽ bị kéo dài hơn dự kiến.

Tranh cãi về sinh viên quốc tế tới Anh

Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ chính các hạ nghị sĩ đảng Bảo thủ, yêu cầu tách nhóm đối tượng sinh viên quốc tế khỏi diện người nhập cư đến Anh do lo ngại chính sách thắt chặt nhập cư sẽ làm giảm số sinh viên quốc tế đến Anh, gây thiệt hại cho nền thương mại giáo dục của nước này. 

Số sinh viên quốc tế đến Anh học trong năm qua đã giảm 41.000 người, nếu tình hình này tiếp tục, Anh sẽ buộc phải tăng mức học phí đại học cho sinh viên Anh cao hơn mức trần hiện nay là 9.250 bảng trong năm học khai giảng vào tháng 9 tới.

Năm ngoái, số sinh viên quốc tế đến Anh học là 134.000 người, đem lại khoản lợi nhuận lớn cho các trường đại học, cao đẳng và nền kinh tế Anh. Theo số liệu dự báo do Viện Chính sách bậc đại học của Anh đưa ra hồi tháng 1, thắt chặt visa đối với sinh viên quốc tế có thể gây thiệt hại cho kinh tế Anh khoảng 2 tỷ bảng/năm.