Theo điều tra ban đầu, công ty của Nhung đã tự vẽ 9 dự án phân lô bán nền trên đất công, đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng để mời khách góp vốn, thu gần 300 tỷ.
Từ tháng 5/2019 đến nay, các nạn nhân của công ty liên tục tố cáo, kêu cứu đến các cơ quan chức năng và tập trung tại trụ sở của công ty trên đường Phùng Khắc Khoan để đòi Nhung trả tiền. Tuy nhiên, vị giám đốc này luôn lánh mặt, chỉ để nhân viên ra tiếp.
Chín dự án “ma” được Nhung vẽ ra và đặt tên khu dân cư và nhà ở: Triều An (An Lạc, Bình Tân), phường Đông Hưng Thuận (quận 12), đường Phạm Văn Sáng (Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), Tây Lân (Tân Tạo, Bình Tân), đường liên khu 5-6 (Bình Hưng Hòa B, Bình Tân), đường Nguyễn Thị Tú (Bình Hưng Hòa B); Bùi Thanh Khiết (Tân Túc, huyện Bình Chánh), phường Linh Trung (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (Phước Long B, quận 9).
CQĐT xác định, mặc dù Nhung biết rõ những khu đất mà công ty mình làm dự án là chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa sang tên, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, nằm trong quy hoạch; nhưng vẫn cố tình vẽ dự án, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người.
Đơn cử như khu đất Nhung rao bán ở phường Hiệp Thành (quận 12) là đất công có một phần là bô rác nằm trong khu quy hoạch xây dựng công trình công cộng của quận 12. Một khu đất khác Nhung rao bán ở phường Linh Trung (quận Thủ Đức) lại thuộc dự án Đại học Quốc gia TP HCM đang trong giai đoạn bồi thường. Hay khu đất ở phường Phước Long B (quận 9) là đất Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn…
Khách hàng đến trụ sở công ty Nhung đòi lại tiền |
Theo điều tra, gần hai năm trước, Nhung và những người liên quan tìm đất có diện tích lớn tại TP HCM, mà không cần quan tâm đất đó là đất ở, đất nông nghiệp hay là đất trồng cây lâu năm. Với những lô đất đã thỏa thuận được với chủ đất để mua hoặc đầu tư, nhóm Nhung chỉ dừng lại ở chỗ hợp đồng đặt cọc để tạo niềm tin. Sau đó, nhóm Nhung lấy lý do đi lo thủ tục pháp lý cho miếng đất, yêu cầu chủ đất làm giấy ủy quyền. Cầm giấy ủy quyền này, nhóm Nhung không đi lo thủ tục pháp lý mà thuê người vẽ dự án, đặt tên, quảng cáo sai sự thật để bán cho nhiều người.
Công ty của Nhung ký với khách hàng hợp đồng góp vốn giữ chỗ nền đất. Khi ký hợp đồng góp vốn, tất cả khách hàng phải đóng cho công ty 50% giá trị lô đất. Số tiền còn lại thỏa thuận đóng thành nhiều đợt.
Theo đó, phía chủ đầu tư phải làm đường giao thông nội bộ, cống thoát nước, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện và đèn chiếu sáng... Phần hiện trạng pháp lý của nhiều khu đất được Nhung ghi rõ số thửa đất, tờ bản đồ, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời Nhung cho biết đang hoàn tất hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” và nhận chuyển nhượng từ chủ sở hữu, đang làm hồ sơ chuyển đổi quy hoạch thành khu dân cư, cơ sở hạ tầng, xin phép tách thửa...
Trong các hợp đồng góp vốn, công ty thông báo với khách hàng trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng và khách đóng đủ 90% giá trị hợp đồng thì công ty sẽ lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chính thức và bàn giao đất. Sau khi bàn giao đất 60 ngày, khách hàng sẽ được giao “sổ đỏ”. Nếu khách không nhận đất, bán lại cho công ty sẽ được nhận lãi suất 2 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, sau khi ký hợp đồng, nhận tiền, Nhung không thực hiện dự án như cam kết. Đến hạn giao đất, Nhung nhiều lần né tránh khách hàng, tìm cách kéo dài thời gian, trả mặt bằng công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản...
CQĐT cho rằng hành vi của Nhung đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến nay, đơn vị chức năng đã tiếp nhận trên 200 đơn tố cáo của người dân. CQĐT Công an TP HCM đề nghị nạn nhân của Nhung sớm nộp đơn tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Thời gian qua, tại các địa phương, đặc biệt là ở TP HCM xảy ra tình trạng công ty hoạt động kiểu đa cấp đã bước chân vào lĩnh vực BĐS, lấy đất đai, nhà cửa khi chưa đảm bảo tính pháp lý làm hàng hóa để huy động vốn, lừa khách hàng. Điển hình là trường hợp Công ty CP Địa ốc Alibaba lừa đảo, hiện đã bị khởi tố điều tra. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần tỉnh táo để không bị “tiền mất tật mang” khi đầu tư vào các dự án kiểu như trên.