“Bắt buộc” hay “khuyến khích”?

(PLVN) -Tại Dự thảo lần thứ tư Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiểu nôm na, chủ xe cá nhân sẽ phải lắp một bộ thiết bị giám sát hành trình ghi lại vị trí, tốc độ xe, tích hợp camera trong xe để ghi hình tài xế trong khoang lái… Đề xuất này khiến dư luận đặc biệt chú ý, vì không chỉ liên quan đến tiền bạc, mà còn liên quan đến bí mật cá nhân của mỗi người.

Thứ nhất, về nguyên tắc, hãng xe bán xe ra thế nào, thì sau khi đăng ký, chủ xe có thể lăn bánh ngay mà không cần phải lắp thêm bất kỳ một phụ kiện nào. Chính vì vậy, trong lĩnh vực đăng kiểm, thậm chí có những phụ kiện lắp thêm bị coi là bất hợp pháp, chủ xe buộc phải đưa xe “về zin” thì mới có thể được lưu hành xe. Nếu xe buộc phải lắp camera, thì tại sao cơ quan chức năng không đề xuất buộc các hãng xe phải lắp thêm phụ kiện này trước khi bán ra? Ước tính 1 bộ thiết bị camera và giám sát hành trình tích hợp có chi phí khoảng 3 triệu đồng mới dùng được. Toàn quốc có gần 4 triệu ô tô cá nhân, chi phí trang bị có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Thứ hai, quy định trên trong Dự thảo sẽ ảnh hưởng quyền riêng tư. Người dân sẽ thắc mắc vì sao việc đi lại bằng xe cá nhân lại bị theo dõi vị trí hoặc hành động riêng tư trong xe lại bị camera ghi lại.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực vận tải ô tô phân tích, hiện chỉ có xe chở hành khách hoặc hàng hóa (xe đầu kéo, xe container) bắt buộc lắp camera trong xe để giám sát người lái. Quy định này nhằm theo dõi người lái có ngủ gật, lái xe đúng thời gian quy định hay không. Tuy nhiên, đây là phương tiện chở nhiều người và hàng hóa, cần bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Thiết bị này cũng giúp ích cho DN vận tải có thể theo dõi số km xe chạy, từ đó xác định được thời điểm bảo dưỡng định kỳ, quản lý tiêu hao nhiên liệu, định mức thay lốp, tính tiền lương của lái xe... Tuy nhiên, với xe cá nhân, thì lại là chuyện khác, chỉ nên khuyến khích lái xe lắp thiết bị giám sát và tự giác công bố hình ảnh, dữ liệu khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Trả lời báo chí, một cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) giải thích, hiện nhiều chủ phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình. Dựa trên thực tế này, tại Dự thảo Luật lần thứ tư, đã đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát hành trình. “Tuy nhiên, đây không phải bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông”, vị cán bộ nói, thêm rằng khi lắp camera, lái xe có thể chứng minh được đúng, sai trong các tình huống xảy ra trên đường. Chủ xe cũng có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe, cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của mình và người khác, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cơ quan chức năng không thu thập dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra sự cố trên đường hoặc ghi nhận được sự cố của xe khác.

Nếu theo giải thích nêu trên, thì sự việc không có gì đáng băn khoăn. Tuy nhiên, luật là luật, câu chữ là câu chữ, trong Dự thảo cần phải nêu rõ camera hành trình với xe cá nhân là “bắt buộc” hay “khuyến khích”, để tránh xảy ra những hiểu lầm, tranh luận không đáng có.

Đọc thêm