Bất cập trong xét nghiệm, khai báo, quản lý thông tin người mắc COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ủy ban) vừa có Báo cáo về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo, trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ủy ban nhận thấy, do số lượng người mắc COVID-19 hiện nay quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, ở một số nơi (đặc biệt là ở tỉnh, TP đang có số ca mắc cao), người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc.

Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Ở một số phường của TP Hà Nội, người bệnh phải ra Trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy, Trạm y tế cũng không được cung cấp kít xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kít xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả. Việc tập trung đông người đến Trạm y tế để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện nay, tại một số địa phương có tình trạng nhiều người khi phát hiện mắc COVID-19 đã không khai báo với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho địa phương, ngành Y tế trong công tác giám sát, quản lý số lượng người mắc COVID-19 trên địa bàn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình. Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

Nhấn mạnh tình trạng gom hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá kít xét nghiệm nhanh COVID-19, báo cáo cho biết, nhu cầu về mặt hàng kít xét nghiệm nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca nhiễm COVID-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị, trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân…

Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, có cách thức thông tin, truyền thông đầy đủ, kịp thời để ổn định tư tưởng, tạo niềm tin của người dân về chiến lược phòng, chống dịch bệnh trong thời gian sắp tới; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc khai báo sớm khi mắc COVID-19 với y tế địa phương theo đúng quy định và không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của cơ quan y tế. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu,… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở. Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc COVID-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến. Cung cấp đủ vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch; tăng chế độ, chính sách cho nhân viên y tế ở cơ sở; có sự sắp xếp nhân lực, có quy trình quản lý và chăm sóc người mắc COVID-19 hợp lý hơn, tạo điều kiện để người dân mắc bệnh nhận được sự chăm sóc hay tư vấn đầy đủ, kịp thời của y tế; giúp họ yên tâm hơn khi điều trị tại nhà…