Cầu vượt đi bộ chưa phát huy hiệu quả
Với mục đích giảm tải ùn tắc và phòng tránh tai nạn giao thông, TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nên những cây cầu vượt dành cho người đi bộ (cầu bộ hành). Tuy nhiên, đáng buồn là dù các cây cầu bộ hành này đã được xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa có thói quen dùng cầu để qua đường.
Hà Nội hiện có 70 cây cầu vượt bộ hành, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện - những khu vực có mật độ giao thông đông đúc.
Ghi nhận tại khu vực một số cây cầu bắc qua các đường phố như Trần Quốc Hoàn, Trung Kính, Hoàng Quốc, Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), Chùa Bộc (Đống Đa), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)... tình trạng "ngó lơ" cầu vượt, đi bộ băng qua đường diễn ra khá phổ biến.
Nhiều cầu được đặt gần khu vực các trường học nhưng vào thời điểm tan học là từng nhóm học sinh, sinh viên lại dắt díu nhau băng qua đầu ô tô, xe máy để sang đường, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Khi được hỏi vì sao không chọn cầu và hầm đi bộ để đi, đa phần mọi người đều có chung câu trả lời rằng đi cầu... "vừa mất thời gian, vừa mệt".
Anh Đinh Văn Chính (quận Cầu Giấy), thường dắt con sang đường, cho biết: "Tan trường vào giờ cao điểm, không được đỗ xe bên đường lâu nên tôi phải đi băng qua đường cho nhanh. Vòng xuống rồi lên cầu thì mất thêm thời gian mà các con đi học về mệt, đi như thế càng mệt hơn. Chỉ cần mình dẫn các con đi từ từ, xin đường là người ta nhường cho thôi".
Một phụ nữ hai tay xách nặng trĩu túi đồ từ chợ Trung Kính ra, băng qua đường để về nhà, dù cầu đi bộ cách cổng chợ chừng vài chục mét. Người phụ nữ cho biết: "Cũng có tuổi rồi, leo lên cầu thang cầu đau chân, mất thêm thời gian. Mọi người đi chợ gần đây đa số đều không lên cầu".
Lê Trâm (sinh viên trường Đại học Điện lực) chia sẻ, ngày nào có thời gian mà đường đông quá, nữ sinh này mới lên cầu để qua đường. "Còn những hôm nào sát giờ học thì em phải đi tắt qua đường cho kịp giờ. Cầu bộ hành có tiện lợi nhưng đi cũng mất khá nhiều thời gian", Trâm nói.
"Tôi vừa ở quê lên thấy người ta đi qua đường như thế thì tôi cũng đi theo. Nó nhanh mà cũng tiện hơn rất nhiều. Hầm đi bộ này thì mình cũng nhìn thấy nhưng chưa bao giờ đi", anh Trung (Quảng Ninh) phân trần.
Việc “ngó lơ” cầu bộ hành không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn vào các khung giờ cao điểm, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.
Hình ảnh ghi nhận tại khu vực một số cầu bộ hành trên đường Hà Nội:
|
Nhiều người, trong đó có cả trẻ nhỏ, chấp nhận băng qua đầu ô tô, xe máy sang đường, mặc cho cầu bộ hành chỉ cách đó vài chục mét. |
|
Khu vực trước cổng trường THPT Nguyễn Bình Khiêm thời điểm tan trường đông các phương tiện qua lại. Việc đi qua đầu ô tô, xe máy rất dễ gây tai nạn giao thông. |
|
Phụ huynh dắt con đi tắt qua đường Trần Quốc Hoàn, mặc cầu bộ hành gần đó. |
|
Tình trạng tương tự diễn ra tại khu vực cầu bộ hành trên đường Hoàng Quốc Việt. Khoảng 6h - 8h và 17h -18h hàng ngày, người, xe tại đây lại trở nên đông đúc... |
|
nhưng vẫn có rất đông người từ nhà chờ xe buýt thản nhiên băng qua đường. Cách đó tầm hơn 100m, cầu bộ hành hầu như không có ai qua lại. |
|
Đoạn phố Trung Kính, khoảng 5 - 7 phút lại có một nhóm sinh viên "phớt lờ" cầu bộ hành, băng ngang qua 2 làn đường. |
|
Tại phố Chùa Bộc, cầu bộ hành được xây dựng ngay phía trước của Học viện Ngân hàng cũng bị nhiều sinh viên "ngó lơ". |
|
Sinh viên lách qua từng phương tiện để sang đường gây tình trạng ùn ứ giao thông. |
|
Có người còn băng qua dải phân cách để qua đường cho nhanh. |
|
Tại cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội, không ít sinh viên sẵn sàng "đối mặt với tử thần" hơn là bỏ ra 5 - 7 phút sử dụng cầu bộ hành. |
|
Tuyến đường Phạm Văn Đồng dài 5,5km được xây dựng 5 cây cầu bộ hành bằng thép. Song những cây cầu này lúc nào cũng trong tình trạng vắng vẻ, không bóng người qua lại. |
|
Cầu bộ hành trên đường Giảng Võ được xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân và hành khách đi xe buýt BRT nhưng không mấy ai sử dụng. |
Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường".
Theo Điều 9 Nghị định 100: Phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…