Theo vị này, hiện vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ kiểm tra bài cũ theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh; trong khi đó, nhiều học sinh vừa đến trường, vừa ăn sáng, ôn bài và lo lắng bị hỏi bài cũ.
Vị cán bộ ngành Giáo dục này cho rằng, để nâng cao chất lượng, trường học cũng phải hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Nếu thầy cô cứ “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” không những làm cho học sinh căng thẳng, còn không mang lại giá trị gì cho các em.
Để học sinh đến trường hạnh phúc, thầy cô có thể lựa chọn bằng nhiều cách khác nhau để kiểm tra kiến thức. Ngoài ra, các giáo viên cũng có thể chọn nhiều cách để đi vào bài học một cách nhẹ nhàng, thoải mái, tạo cho học sinh sự hứng thú khi học tập.
Chỉ đạo trên không chỉ khiến phụ huynh, mà cả giáo viên và học sinh cũng băn khoăn. Thế nào là “kiểm tra bất chợt”? Có còn hình thức kiểm tra đầu giờ nữa hay không? Với những học sinh “vừa đến trường, vừa ăn sáng”; lỗi là do kiểm tra đầu giờ hay sao?
Trước những thắc mắc trên, tại họp báo sau đó, Chánh Văn phòng Sở này nói cho rõ hơn, nhưng thực ra lại càng khiến dư luận băn khoăn hơn. Vị này cho hay Giám đốc Sở của mình chỉ yêu cầu giáo viên không được kiểm tra đầu giờ một cách đột xuất, bất ngờ… và không phải cấm việc kiểm tra bài đầu giờ.
Theo vị này, bài kiểm tra diễn ra 2 hình thức là thường xuyên và đầu kỳ. Kiểm tra thường xuyên gồm nhiều hình thức, trong đó có kiểm tra miệng (vấn đáp). Giáo viên cần có kế hoạch kiểm tra và kiểm tra để biết học sinh có nắm kiến thức hay không. “Sở chủ trương không kiểm tra đột xuất, chứ không cấm kiểm tra miệng đầu giờ. Việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ thường tạo hoặc gây áp lực cho học sinh ngay từ đầu buổi học, khiến các em lo lắng... Do đó, việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ là không được thực hiện”, vị này nói.
Hết “bất chợt”, rồi đến “đột xuất”, toàn những khái niệm không khác gì “chơi chữ”. Vậy là theo giải thích trên, thì muốn kiểm tra học sinh nào trước, giáo viên phải có kế hoạch, thông báo trước cho học sinh. Chỉ là chuyện đi học, ôn bài hàng ngày, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi học sinh; mà phải rắc rối như vậy hay sao?
Trong cuộc sống này, dù là công việc, yêu đương, học hành hay bất cứ hành động gì khác đều phải có áp lực hợp lý, để mọi chuyện được tốt hơn. Nếu dễ dãi, nuông chiều thái quá, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, nguy cơ tạo ra một thế hệ chây ỳ, lười biếng thiếu sức sống. Cần phải cấm những hành động bắt ép học sinh học thêm tối ngày, trường lạm thu bừa bãi… chứ không nên quan trọng hóa, cường điệu hóa, “bóp méo” vấn đề kiểm tra đầu giờ như nêu trên.